Viện sinh thái học miền Nam phát hiện chi thực vật mới

  •  
  • 803

Nhóm nghiên cứu thuộc Viện sinh thái học miền Nam (SIE) đã phát hiện loài thực vật mới, chưa từng được biết đến - chi Giang Ly.

Trong quá trình tìm kiếm vị trí để triển khai cho đề tài “Thành lập ô nghiên cứu định vị 25 ha để phục vụ nghiên cứu diễn thế tại vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà” vào đầu năm 2012, tiến sĩ Lưu Hồng Trường, phó Viện trưởng cùng các nhà khoa học SIE (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã tìm thấy loài thực vật mới lạ và chưa từng biết.

Tiến sĩ Lưu Hồng Trường đã chuyển mẫu đến Vườn thực vật hoàng gia Edinburgh (Scotland, Anh) để nhờ phân tích về sinh học phân tử. Kết quả, loài này hoàn toàn khác với các ghi nhận đã có và chúng vượt qua sự hiểu biết của giới thực vật học. Chúng thuộc về một chi thực vật mới chưa từng được biết đến trước đây - Billolivia D.J.Middleton, gen.nov.

Chi thực vật mới được các nhà khoa học của Viện SIE đặt tên tiếng Việt là Chi Giang Ly. Giang Ly là nơi đầu tiên tìm ra loài chuẩn cho Billolivia - một vùng sinh thái cảnh quan rất đặc trưng có độ cao 1.700m trên núi cao của vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng), nơi quanh năm mây mù che phủ nằm giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa.

Viện sinh thái học miền Nam phát hiện chi thực vật mới
Loài Billolivia longipetiolata. (Ảnh: Lưu Hồng Trường/Vast)

Loài Giang Ly đuôi dài - Billolivia longipetiolata mới phát hiện tại ô mẫu định vị 25 ha của vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà được coi là loài chuẩn cho chi thực vật mới Giang Ly - Billolivia đang lưu trữ tại Bộ sưu tập SGN của Viện Sinh thái học miền Nam.

Billolivia là tên ghép của hai nhà thực vật học nổi tiếng trong thế kỷ 20 là ông Brian Laurence Burtt (đã mất) và Olive Hilliard. Họ là hai trong số những người đầu tiên từng đặt nghi vấn về việc định loại các mẫu vật tương tự được thu từ Việt Nam và đang lưu trữ ở một số bộ sưu tập thực vật lớn trên thế giới.

Tìm hiểu sâu trong phạm vi lân cận, tiến sĩ Trường và đồng nghiệp còn xác nhận có ít nhất 5 loài thuộc chi Giang Ly - Billolivia. Cả 5 loài này đều là các loài mới cho khoa học, trong đó 4 loài được tìm thấy từ vùng cao nguyên Đà Lạt; loài còn lại tìm thấy ở vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước).

Cả 5 loài mới phát hiện trong chi Giang Ly – Billolivia đều là những loài đặc hữu cho vùng núi cao nam Tây Nguyên. Chúng đều mọc dưới tán rừng trong khu vực rừng thường xanh, ven các suối nhỏ, hay các vùng đất ẩm ướt.

Nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí thực vật học Phytotaxa ở New Zealand tháng 3/2014.

Theo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
  • 803