Việt Nam: Đầu tư bảo vệ môi trường & công nghệ sinh học

  •  
  • 1.199

1.000 tỷ đồng phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học

Chồi cỏ vetiver được nhân lên trong môi trường MS bổ sung 2 mg BA/lít sau 6 tuần cấy truyền. (Ảnh: CTU - Đại học Cần Thơ)

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến 2020, với tổng mức đầu tư trong giai đoạn 2006-2015 khoảng 1.000 tỷ đồng.

Nguồn vốn này được dành cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ, sản xuất thử các sản phẩm, hàng hóa chủ lực ở quy mô công nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực.

Trong giai đoạn 2006-2010, chương trình sẽ tiến hành đào tạo mới 60-80 tiến sĩ, 200-250 thạc sĩ và 500-1.000 kỹ thuật viên công nghệ sinh học nông nghiệp.

Chương trình cũng đề ra mục tiêu đến 2020, diện tích trồng các giống cây mới tạo ra bằng công nghệ sinh học chiếm trên 70%, trong đó diện tích trồng các giống cây biến đổi gen chiếm từ 30-50%.

Theo TTXVN, SGGP

100 tỷ đồng cho các hoạt động bảo vệ môi trường

Trong năm 2006, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường dự kiến dành 100 tỷ đồng đầu tư triển khai các dự án môi trường như xử lý chất thải rắn, nước thải công nghiệp, ô nhiễm làng nghề, sản xuất sạch và xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường.

Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Nguyễn Nam Phương cho biết sau 2 năm hoạt động, Quỹ đã phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định, đánh giá, lập cơ sở dữ liệu, xây dựng kế hoạch xử lý môi trường, bảo vệ môi trường tại nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, làng nghề ở địa phương.

Để đa dạng nguồn vốn hoạt động, Quỹ Bảo vệ môi trường đang xúc tiến quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế của Nhật Bản, Đan Mạch và Thụy Sĩ, nhằm đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

Theo TTXVN

Theo Tuổi Trẻ Online
  • 1.199