Đó là kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của CNTT đối với khả năng cạnh tranh của các quốc gia do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thực hiện và công bố mới đây. Nghiên cứu của WEF được tiến hành đối với 115 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, thông qua nhiều yếu tố như chất lượng giáo dục của môn toán và khoa học, giá cước điện thoại và truy cập Internet...
Theo nghiên cứu này, 5 vị trí đầu bảng lần lượt thuộc về Mỹ, Singapore, Đan Mạch, Iceland, Phần Lan. Riêng về châu Á, Singapore đứng đầu, kế đến là Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trung Quốc đứng ở vị trí 9 và Việt Nam đứng thứ 13 (thứ 75 trong bảng xếp hạng chung).
Từ vị trí thứ 5 năm 2004, Mỹ đã vươn lên hàng đầu vào năm 2005 nhờ vào tính hoàn thiện của cơ sở hạ tầng, sự phát triển của môi trường kinh doanh và khả năng áp dụng các công nghệ mới. Nhà kinh tế học Irene Mia, thành viên WEF, cho biết: “Khả năng đổi mới công nghệ của Mỹ đứng đầu trên thế giới với chất lượng hệ thống giáo dục ngày càng cao và các cuộc nghiên cứu ngày càng được chuyên môn hóa”. Ngoài ra, Mỹ còn vượt trội về việc hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp mới phát triển trong lĩnh vực công nghệ, thường có khá nhiều rủi ro. “Số vốn đầu tư vào các cuộc nghiên cứu và phát triển của Mỹ vượt xa các nước khác”- bà Irene Mia phát biểu.
WEF là một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động vì mục đích phát triển kinh tế toàn cầu. Tổ chức này được biết đến qua các diễn đàn thường niên tại Davos-Thụy Sĩ. Đây là nơi gặp gỡ của các nhà kinh doanh và hoạch định chính sách quốc gia để bàn về những vấn đề kinh tế thế giới.