Lần đầu tiên Việt Nam tự chế tạo được giàn khoan tự nâng 90m nước. Đây là loại công nghệ cao và hầu hết các khâu trong quá trình chế tạo do người Việt Nam làm chủ. Thành công này đã mở ra tiền đề tốt cho việc những giàn khoan tiếp theo với mức độ nội địa hóa cao hơn.
Công trình này được Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (KH-CN)- Bộ KH-CN ký kết hợp đồng cấp kinh phí thực hiện các đề tài thuộc dự án và giao cho Công ty cổ phần Chế tạo giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) - Tập đoàn dầu khí Việt Nam chủ trì.
Ông Đào Đỗ Khiêm - Phó giám đốc Quản lý dự án giàn khoan tự nâng 90m nước cho biết, với sự hỗ trợ của Bộ KH-CN, việc hạ thủy giàn khoan tự nâng có thể nói là điểm mốc hội tụ tất cả những nỗ lực, cố gắng để hoàn thiện các công việc bắt buộc trước đó như chạy thử máy phát, chạy thử hệ thống điện, hòa điện đồng bộ giàn khoan, chạy thử hệ thống nâng hạ, chạy thử hệ thống nước giằn giàn khoan vv... và sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các bộ phận kĩ thuật của PV Shipyard, vận hành thiết bị hạ thủy, hoa tiêu, cảng vụ, biên phòng, bảo hiểm... trong suốt quá trình hạ thủy.
Tất cả các công việc hạ thủy giàn khoan đều được giám sát trực tiếp bởi công ty giám định độc lập Braemar Technical Services Ltd (Vương quốc Anh) bao gồm: hạ giàn khoan xuống đường trượt; kéo giàn khoan xuống xà lan; đánh chìm xà lan và kết thúc quá trình hạ thủy.
Sau 26 tháng thi công, lắp đặt giàn khoan tự nâng 90m nước đầu tiên của
Việt Nam đã được hạ thủy thành công (ảnh: Phương Hoàn)
”Thông thường việc đánh chìm các dự án tương tự sẽ phải dùng loại xà lan bán chìm chuyên dụng, tuy nhiên để giảm chi phí chúng tôi đã lựa chọn loại xà lan thông dụng và việc sử dụng xà lan này yêu cầu phải kiểm soát thời gian và vị trí đánh chìm theo con nước thủy triều”, ông Đào Đỗ Khiêm cho biết.
Cũng theo ông Khiêm, do khối lượng giàn khoan tự nâng rất lớn (khoảng 9020 tấn lúc hạ thủy) đã có sự lún nhất định gây gia tăng lực ma sát nghỉ giữa 2 mặt của đường trượt nên thực tế lực kéo ban đầu để di chuyển giàn đã vượt xa khỏi những tính toán và dự kiến. “Chúng tôi đã chủ động sử dụng thêm rất nhiều kích đẩy phụ lắp đặt dọc theo 2 đường trượt, sau rất nhiều nỗ lực tổng cộng lực kéo đã tăng lên gần gấp 2 lần so với dự kiến ban đầu để tạo cú hích di chuyển giàn – Sau cú hích đầu tiên vô cùng quan trọng đó, giàn đã tiếp tục được kéo di chuyển bình thường như tính toán ban đầu”.
Ông Đào Đỗ Khiêm chia sẻ, giàn khoan 90m nước lần đầu tiên được chế tạo tại Việt Nam nên việc thành công hay thất bại của dự án sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nghành công nghiệp chế tạo các loại giàn khoan di động của Việt Nam.
Trên cơ sở hợp tác nghiên cứu, mua thiết kế, mua công nghệ, tiếp nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài, dự án đã làm chủ được công nghệ thiết kế, lắp lắp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước và các độ sâu lớn hơn, đạt tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu.
Cán bộ, công nhân Tập Đoàn Dầu khí QG Việt Nam vui mừng trước sự
thành công của giàn khoan đầu tiên tại Việt Nam (ảnh: Phương Hoàn)
Khẳng định điều này, theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân, giàn khoan 90m nước đóng góp vào việc nâng cao trình độ công nghệ Việt Nam, hỗ trợ việc hoạt động dầu khí ở biển Đông, góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Qua đó hình thành và phát triển một lĩnh vực sản xuất mới trong công nghiệp dầu khí, đóng góp trực tiếp và có hiệu quả, nâng cao năng suất chất lượng thăm dò, khai thác dầu khí…
Đặc biệt, công trình cũng thể hiện được năng lực trình độ của cán bộ khoa học kỹ thuật không chỉ củ ngành cơ khí mà ngành dầu khí.
Ông Phùng Đình Thực – Tổng giám đốc Petrovietnam, cho biết công trình đã được Cơ quan đăng kiểm Hàng hải Hoa Kỳ - ABS cấp chứng chận đạt tiêu chuẩn quốc tế. Sự kiện này khẳng định Việt Nam trở thành một trong 3 nước khu vực châu Á và là một trong mười nước trên thế giới chế tạo được giàn khoan tự nâng đạt tiêu chuẩn quốc tế.