Virus gây béo phì

  •  
  • 329

Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng béo phì nhưng mới đây, người ta đã có những bằng chứng đầu tiên cho thấy, virus Ad-36 là một trong những nguyên nhân đó. Một nhóm nhà khoa học ở Mỹ đang đi sâu tìm hiểu vấn đề này...

Kết quả thử nghiệm cho thấy vi-rút adenovirus -36 (Ad-36) có khả năng gây ra bệnh béo phì. (Ảnh: Rkm.com.au)

Qua các thử nghiệm trên chuột và sau đó trên người, nhóm nghiên cứu đã xác định virus Adenovirus-36 (Ad-36) – loại virus gây nhiễm trùng mắt và đường hô hấp – có khả năng gây ra bệnh béo phì. Không chỉ gây nhiễm trùng mắt và đường hô hấp, virus Ad-36 còn có khả năng biến tế bào gốc của con người thành tế bào chất béo, từ đó gây ra bệnh béo phì.

Kết quả thử nghiệm trên chuột cho thấy Ad-36 đã làm cho chuột ngày càng béo ra. Ông Dhurandhar nói: “Mỡ đã tích tụ rất nhiều trong cơ thể chuột”.

Sau đó, một thử nghiệm lớn trên con người cũng cho thấy 30% trong số người béo phì đã có kháng thể chống lại Ad-36 – tức là họ đã nhiễm virus này trước đó; trong khi ở người có thể trọng bình thường, tỉ lệ có kháng thể chỉ là 11%.

Đồng thời, các chuyên gia cũng nhận thấy việc phơi nhiễm Ad-36 đã làm cho các tế bào gốc của con người bị biến thành những tế bào chứa đầy chất béo.

Trong nghiên cứu này, tiến sĩ Magdalena Pasarica đã trích xuất tế bào gốc từ các mô chất béo của những bệnh nhân vừa trải qua phẫu thuật hút mỡ (liposuction). Bà cho phân nửa số tế bào gốc này phơi nhiễm Ad-36. Chỉ sau 1 tuần lễ, hầu hết số tế bào này đã phát triển thành tế bào chất béo, trong khi những tế bào không bị phơi nhiễm Ad-36 thì vẫn không hề thay đổi.

Theo ông Nikhil Dhurandhar, phó giáo sư trường Đại học bang Louisiana, Hoa Kỳ, Trưởng nhóm nghiên cứu hiện nay nhiều người khó có thể tin rằng béo phì có thể do virus gây ra.

Tiến sĩ Dhurandhar hy vọng sẽ phát triển được vắc-xin chống vi-rút Ad-36 gây béo phì ở người trong vòng 5 -10 năm nữa. (Ảnh: CTV.ca)

Ông Nikhil Dhurandhar thừa nhận là việc ăn quá nhiều có liên quan đến việc thừa cân hoặc béo phì nhưng “Có rất nhiều nguyên nhân gây ra béo phì, từ việc ăn uống quá độ đến khiếm khuyết gien, rồi đến rối loạn chuyển hóa và cả việc nhiễm virus nữa”, ông nói.

Về lâu dài, ông Dhurandhar tin rằng sẽ phát triển được vắc-xin và có thể cả liệu pháp để chống virus Ad-36. Nhưng trước mắt, ông và nhóm nghiên cứu cần tìm hiểu rõ hơn vai trò của Ad-36 trong việc gây ra béo phì ở người.

Từ phát hiện mới này, nhóm nghiên cứu hy vọng rằng loại vắc-xin đầu tiên chống béo phì có thể sẽ được bào chế và thử nghiệm trong vòng 5 – 10 năm nữa.

Ngày 20/8, tiến sĩ Pasarica đã trình bày kết quả nghiên cứu này tại hội nghị của Hội Hóa học Hoa Kỳ, được tổ chức ở Boston. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, toàn thế giới hiện có khoảng 400 triệu người béo phì, trong đó có 20 triệu trẻ em dưới 5 tuổi.

Quang Thịnh

Theo AP, Reuters, Telegraph, VietNamNet
  • 329