VN sử dụng bao nhiêu dung lượng qua cáp quang?

  •  
  • 272

Hệ thống cáp quang được xem là huyết mạch giao thông trong ngành viễn thông do đảm nhiệm chức năng truyền dẫn tín hiệu (thoại, truyền hình, Internet...).

Chính vì vậy, sự cố đứt tuyến cáp quang biển tại Đài Loan mới đây đã khiến mạng Internet của VN nói riêng và châu Á nói chung gần như bị tê liệt.

Nhiều nhưng vẫn thiếu

Tại VN, hiện có ba doanh nghiệp cung cấp các tuyến cáp quang quốc tế là Công ty Viễn thông quốc tế (VTI), Tổng công ty Viễn thông quân đội (Viettel) và Công ty Thông tin viễn thông điện lực (EVN Telecom).

Trong số này, VTI là “anh cả” không chỉ vì cung cấp dịch vụ viễn thông quốc tế lâu đời nhất mà còn là doanh nghiệp sở hữu nhiều tuyến cáp quang quốc tế nhất. VTI hiện đã kết nối với hai tuyến cáp quang biển gồm SMW-3 và TVH. Tuyến SMW-3 có dung lượng 80Gb/s được đưa vào khai thác từ tháng 9-1999 kết nối VN với gần 40 nước Á - Âu và có hệ thống cập bờ tại Đài cáp quang biển quốc tế Đà Nẵng.

Hệ thống cáp quang SMW-3, một trong những hệ thống cáp quang lớn của thế giới mà VN tham gia để kết nối

Tuyến TVH kết nối VN với Thái Lan, Hong Kong, có dung lượng mỗi hướng 560Mb/s được đưa vào khai thác từ tháng 11-1995 và có hệ thống cập bờ tại Đài cáp quang biển quốc tế Vũng Tàu. Hai hệ thống này là huyết mạch chính kết nối mạng viễn thông của VN ra thế giới, truyền các tín hiệu thoại, fax, truyền số liệu và phần lớn dung lượng Internet của VN.

Ngoài các tuyến cáp quang biển và đất liền, VTI cũng đang mua dung lượng của khoảng 15 hệ thống cáp quang biển quốc tế khác như APC, APCN, China-US, MT, PRW, RJK, SMW-2, TPC-5, TAT-12, TAT-13... làm cầu nối cho mạng viễn thông VN ra thế giới.

Ra đời sau nhưng với tiềm lực mạnh, Viettel cũng đã kịp xây dựng cho mình một hệ thống cáp quang quốc tế gồm VN - Hong Kong, VN - Trung Quốc, VN - Lào, VN - Campuchia với tổng dung lượng khoảng 15Gb/s. Khiêm tốn nhất là EVN Telecom với duy nhất một tuyến cáp quang đất liền nối từ VN sang Hong Kong.

Theo ông Lâm Quốc Cường, phó giám đốc VTI, ngoài cáp quang còn có hệ thống thông tin vệ tinh nhưng do hình thức truyền dẫn này đắt hơn nhiều lần so với cáp quang và do dung lượng truyền qua vệ tinh thấp nên vệ tinh không phải là hình thức ưu tiên mà thường chỉ được sử dụng truyền dẫn thông tin tới vùng sâu, vùng xa và trong trường hợp xảy ra sự cố. Theo ước tính, hiện nay chỉ có khoảng 10% dung lượng các cuộc điện thoại quốc tế, truy cập Internet chạy trên hệ thống vệ tinh.

Cơ hội cho VN?

Từ lâu, nhờ vào vị trí địa lý và lợi thế về kinh tế, Hong Kong được nhiều nước kéo cáp quang tới và vô hình trung đã trở thành trung tâm trung chuyển băng thông của thế giới. Chính vì vậy, sự cố đứt cáp tại Đài Loan đã khiến tất cả những tuyến cáp quang chạy qua Hong Kong sang Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan qua vùng biển Đài Loan bị tê liệt.

Đánh giá về sự cố này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó tổng giám đốc Viettel, nói: “Sự cố đứt cáp quang tại Đài Loan là lời cảnh báo cho toàn thế giới rằng xã hội chúng ta đang dựa trên một số hạ tầng mạng và phần lớn hoạt động của thế giới phải dựa vào đó nên tất yếu sẽ có rủi ro. Chính vì lường trước sự rủi ro đó nên chúng ta đã xây dựng nhiều tuyến cáp quang khác nhau, nhưng như thế là chưa đủ và điều này được minh chứng qua sự cố đứt cáp quang tại Đài Loan”.

Theo ông Hùng, sự cố đứt cáp quang một phần gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng VN, nhưng một phần cũng là cơ hội để VN trở thành trung tâm trung chuyển băng thông của thế giới nếu biết cách tận dụng. Hiện nay, các doanh nghiệp VN đã và đang xây dựng hạ tầng cáp quang từ VN sang Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Bangladesh. Như vậy, thay vì kết nối trực tiếp với những quốc gia này, các nước khác chỉ cần nối vào mạng cáp quang của VN. Ông Hùng khẳng định: “Khi trở thành trung tâm trung chuyển băng thông, VN sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ việc mua bán băng thông. Tất nhiên, một nước muốn trở thành trung tâm trung chuyển băng thông phải là một trung tâm kinh tế lớn, nhưng cũng có thể chỉ cần xuất phát từ việc có những ưu đãi đầu tư tốt”.

T.THÀNH

Theo Tuổi Trẻ Online
  • 272