Voi ma mút từng tồn tại ở Anh cho tới tận 14.000 năm trước

  •  
  • 1.441

Một kết quả nghiên cứu trên tờ Geological Journal số ra ngày 17 tháng 6 mới đây đã chứng minh các xương tìm thấy ở Shropshire, Anh quốc cung cấp những bằng chứng địa chất mới nhất về sự tồn tại của loài voi ma mút lông dài (woolly mammoth) ở Tây bắc châu Âu. Phân tích về các xương tìm được cũng như môi trường sống xung quanh khu vực cho thấy voi ma mút vẫn tồn tại ở Anh rất lâu sau thời điểm mà người ta nghĩ là ngày tận thế của loài này.

Các xương voi ma mút, bao gồm bộ xương gần như hoàn chỉnh của một con đực trưởng thành và ít nhất 4 voi con, đã được khai quật lần đầu tiên năm 1986, nhưng việc xác định niên đại bằng cácbon được tiến hành khi đó bị coi là không chính xác. Tiến bộ công nghệ trong hai thập kỉ qua giờ đây mang lại cho chúng ta những kết quả chính xác hơn nhiều, từ đó cung cấp các dữ liệu cần thiết để xác định đặc điểm môi trường sống của những con voi này. Các dữ liệu thu được lấy từ phân tích vết sâu răng, côn trùng hóa thạch được tìm thấy trong khu vực khai quật, cùng phân tích địa lý lớp trầm tích xung quanh.

Tranh vẽ một gia đình voi ma mút lông dài theo tưởng tượng. (Ảnh: iStockphoto/KIM FREITAS)

Nghiên cứu được tiến hành bởi giáo sư Adrian Lister thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Luân Đôn, người đã từng thực hiện rất nhiều nghiên cứu về các loài tồn tại thêm hàng ngàn năm sau thời điểm mà người ta vẫn nghĩ là ngày tuyệt chủng của chúng.

“Ma mút vẫn được cho là đã tuyệt chủng ở vùng Tây bắc châu Âu cách đây 21.000 năm trước trong thời kì 'Last Glacial Maximum' khi nhiệt độ hạ thấp và băng xâm lấn nhiều vùng trên Trái đất,” Lister nói. Phương pháp xác định niên đại bằng cácbon của voi ma mút Condover đã chứng minh điều ngược lại, rằng voi ma mút đã từng trở lại và tiếp tục sinh sống ở vùng đất Anh quốc ngày nay cho tới tận thời điểm cách đây 14.000 năm.

Các xương phát hiện tại Shropshire là dữ liệu mới nhất của voi ma mút ở Tây bắc châu Âu. Chúng không chỉ chứng minh rằng loài này tồn tại lâu hơn nhiều người ta vẫn nghĩ, mà còn đưa ra những bằng chứng rõ ràng để kết thúc tranh luận xung quanh câu hỏi sự diệt vong của voi ma mút là do biến đổi khí hậu hay do bị con người săn bắn.

“Thời điểm voi ma mút diệt vong theo kết luận của nghiên cứu mới trùng với thời điểm diễn ra biến đổi khí hậu, khi mà các đồng cỏ của kỷ Ice Age được thay thế bởi rừng. Việc thay thế này cũng rất có thể là nguyên nhân dẫn tới sự biến mất của voi ma mút,” Lister nói. “Con người cũng đã tồn tại ở thời của voi ma mút Condover, tuy nhiên, không có bằng chứng nào về việc săn bắn voi ma mút.”

Các phát hiện của Lister được trình bày trên một trong ba bài viết về voi ma mút Condover xuất hiện trên tờ Geological Journal. Hai bài viết còn lại tập trung vào môi trường sống cổ đại của voi ma mút (do Allen chủ biên) và một phân tích địa lý về khu vực nơi xương voi ma mút được tìm thấy (Scourse chủ biên).

Tham khảo:

1. Lister A. Late-glacial mammoth skeletons (Mammuthus primigenius) from Condover (Shropshire, UK): anatomy, pathology, taphonomy and chronological significance. Geological Journal, DOI: 10.1002/gj.1162

2. Allen.J.R.M, Scourse.JD, Hall,A.R, Coope G.R. Palaeoenviromental context of the Late-glacial woolly mammoth (Mammuthus primigenius) discoveries at Condover, Shropshire, UK(pn/a). Geological Journal, 2009 DOI: 10.1002/gj1161

3. Scourse, Coope et al. Late-glacial remains of woolly mammoth Mammuthus primigenius) from Shropshire UK: stratigraphy, sedimentology and geochronology of the Condover site (p n/a). Geological Journal, 2009 DOI: 10.1002/gj.1163

G2V Star (Theo ScienceDaily)
  • 1.441