Vòng tròn màu đỏ lơ lửng trên bầu trời Italy

  •  
  • 196

Vòng tròn ánh sáng đỏ rộng 360km lóe lên trên bầu trời Italy trước khi biến mất chỉ sau vài mili giây, có thể do xung điện từ trong cơn giông gần đó gây ra.

Vòng tròn màu đỏ trên bầu trời Italy hôm 27/3.
Vòng tròn màu đỏ trên bầu trời Italy hôm 27/3. (Ảnh: Valter Binotto)

Nhiếp ảnh gia tự nhiên Valter Binotto đã nhanh tay ghi lại vầng sáng từ thị trấn Possagno phía bắc Italy hôm 27/3. Thực tế, vòng tròn màu đỏ có đường kính khoảng 360km không nằm phía trên thị trấn mà xuất hiện ở miền trung Italy và vùng biển Adriatic. Chính ảo ảnh quang học khiến vòng tròn trông như thể lơ lửng bên trên thị trấn.

Vệt sáng hình tròn là "sự phát sáng và nhiễu loạn tần số rất thấp từ các nguồn xung điện", gọi tắt là ELVE. ELVE là dạng nhiễu loạn ở tầng bình lưu hoặc trung lưu rất hiếm gặp, kết quả từ hiệu ứng điện mạnh trong cơn giông. Vòng tròn đỏ được tạo ra khi xung điện từ (EMP) phát sinh khi sét đánh vào tầng điện ly của Trái Đất, ở độ cao 80 - 644km phía trên mặt đất. Do tồn tại trong thời gian cực ngắn, ELVE thường chỉ quan sát thông qua vệ tinh quay quanh Trái Đất. Hiện tượng được phát hiện vào năm 1990 nhờ camera trên tàu con thoi của NASA. Bức ảnh mới của Binotto nhiều khả năng là "ảnh chụp rõ nhất về hiện tượng từ mặt đất", theo Spaceweather.com.

Binotto suy đoán ELVE được tạo bởi một EMP hình thành từ cơn giông lớn gần Ancona, thành phố cách Possagno khoảng 280 km về phía đông nam. Thông thường, sét không phát ra EMP bởi chúng không mang đủ dòng điện. Nhưng trong cơn giông này, một tia sét mạnh hơn ít nhất 10 lần so với sét thông thường, sản sinh sóng xung kích điện va chạm với tầng điện ly. Khi electron bên trong EMP tiếp xúc với tầng điện ly, hạt tích điện kích thích nguyên tử nitrogen, phát ra vầng sáng màu đỏ.

Binotto đã chụp ảnh hàng trăm ELVE và nhiều loại sự kiện phát sáng thời gian ngắn (LTE) khác từ năm 2019. Theo nhiếp ảnh gia, đây là một trong những cấu trúc lớn nhất mà ông từng thấy.

Cập nhật: 06/04/2023 VnExpress
  • 196