Wikipedia làm nên một hiện tượng thông tin toàn cầu

  •  
  • 309

Frieda Brioschi là chuyên gia lập trình máy tính ở Arcore (Italy) nhưng cô vẫn dành hơn 25 giờ mỗi tuần để biên tập nội dung phiên bản từ điển bách khoa trực tuyến miễn phí bằng tiếng nước này.

Brioschi là một trong số hàng nghìn người nhiệt huyết muốn tham gia kiểm duyệt Wikipedia như đối chiếu số liệu, viết lại, sửa lỗi ngữ pháp, chính tả hoặc theo dõi những thay đổi của một mục từ nào đó. Với cô, Wikipedia là một hệ thống từ điển tiến hóa theo "học thuyết Darwin", dần phát triển và hoàn thiện hơn sau khi các bài viết lỗi đã được xóa hoặc chỉnh lại.

Những tình nguyện viên như Brioschi đã góp phầp biến Wikipedia thành một "hiện tượng thông tin" trên toàn thế giới. Trang web chứa hơn 2,6 tỷ bài viết với 200 ngôn ngữ khác nhau và thu hút 2 tỷ lượt khách ghé thăm mỗi tháng. Nội dung được "sáng tác" hoàn toàn bởi các tình nguyện viên hay bất cứ ai cảm thấy muốn đóng góp cho kho thông tin khổng lồ này. Trong tháng 12, độc giả đã bổ sung thêm 45.000 mục từ chỉ tính riêng trong bản tiếng Anh.

Wikipedia, một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất trên mạng, được thành lập bởi Jimmy Wales, 39 tuổi. Dù luôn nằm trong "tầm ngắm" của các nhà tiếp thị, site không chấp nhận logo quảng cáo và Wales cũng không có ý định kinh doanh kiểu này trong thời gian tới. "Chúng tôi không dám chắc những quảng cáo đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hình ảnh và thương hiệu của chúng tôi", Wales nói.

Gần đây, Wikipedia cũng gặp nhiều rắc rối, như trong tháng 11, cựu trợ lý của John F. Kennedy, đồng thời là một nhà báo danh tiếng tại Mỹ, đã phát hiện ra rằng đoạn tiểu sử của ông trên Wiki nói ông bị nghi ngờ dính líu đến vụ ám sát anh em nhà tổng thống. Ngoài ra, nhiều nhà phê bình cũng lo ngại rằng khi thương hiệu này ngày càng phổ biến và có uy tín, site sẽ không tránh khỏi nguy cơ trở thành mục tiêu trong các cuộc vận động. Sau một số vụ tai tiếng, Wales đã thắt chặt hơn trong việc kiểm soát và hạn chế thông tin thiếu trung thực.

Từ khi thành lập năm 2001, Wikipedia đã trở thành nguồn thông tin tra cứu lớn nhất trong lịch sử. Phiên bản tiếng Anh hiện chứa khoảng 800.000 mục từ, trong khi bộ từ điển bách khoa Britannica cũng chỉ có dưới 120.000 mục từ. Dù phát triển với chính sách "tự do chỉnh sửa", Robert McHenry, cựu tổng biên tập Britannica mô tả Wikipedia là "cuốn từ điển đáng tin cậy". Một nghiên cứu do tạp chí Nature của Anh thực hiện cũng khẳng định Wikipedia có độ chính xác gần tương đương với Britannica (123 lỗi trong Britannica và 162 thông tin chưa đúng trong Wikipedia khi so sánh 50 bài viết về chủ đề khoa học).

Nhân tố quan trọng nhất cho thành công của Wikipedia là nó tạo nguồn cảm hứng và lòng nhiệt huyết cho độc giả tham gia. Ngay cả Wales cũng hoạt động như một tình nguyện viên cho Wikipedia Foundation, tổ chức phi lợi nhuận ở St. Petersburg, Florida (Mỹ). Ban quản trị của tổ chức chỉ gồm 3 người được trả lương hành chính, 2 trợ lý và một kỹ sư phần mềm. Tất cả các khâu nội dung và chỉnh sửa đều là công sức của đội ngũ những con người nhiệt tình trên toàn thế giới. Một số "cư dân Wiki" đóng góp phần mềm cho Wikipedia, được biết đến như là các "bot". Ví dụ, Pfft Bot đánh dấu những câu đa nghĩa, GrammarGremlin thông báo lỗi cú pháp và Kakashi Bot tự động thay đổi dạng lỗi kiểu "Seychelles" thành "the Seychelles".

Song song với Wikipedia, Wales đang xây dựng những kế hoạch nhằm tiến xa hơn. Nhiều tình nguyện viên đang sưu tập thông tin cho Wiktionary, bộ từ điển khái niệm đa ngôn ngữ. Người yêu những câu châm ngôn nổi tiếng đang giúp hình thành nên Wikiquote, cơ sở dữ liệu về các phát ngôn nổi tiếng bằng 30 ngôn ngữ. Trong dự án Wikibooks, bất cứ ai cũng có thể bình luận hay trao đổi về các cuốn sách giáo khoa. Tổ chức cũng đang thực hiện những bước đầu tiên cho chương trình Wikinews, tập hợp và sắp xếp tin tức theo cơ quan thông tấn như BBC của Anh, Tân hoa xã của Trung Quốc... Wales muốn phát triển nguồn thông tin "không thiên về đánh giá chủ quan" nhưng ông cũng thừa nhận rằng các nhà báo (hay Wikinewsie), đôi lúc để lộ ý kiến chủ quan của họ, đặc biệt khi viết về đề tài Israel hay tổng thống Mỹ George W. Bush.

Để đầu tư cho những dự án này, Wales đang tìm kiếm nguồn tài trợ. Độc giả đã đóng góp 1 triệu USD năm ngoái. Những nhà đầu tư lớn như Yahoo đã cung cấp máy chủ và 250.000 USD trong tháng 4/2005. Năm 2004, Wales mở công ty kinh doanh Wikicities, cung cấp dịch vụ hosting cho website với nội dung theo chủ đề về tiền cổ, bia... Wikicities cũng do các tình nguyện viên xây dựng nhưng nó được phép đăng quảng cáo và doanh thu của công ty độc lập này hỗ trợ một phần lớn cho việc duy trì Wikipedia.

Wales không hề có ý định mở rộng ban quản trị chưa đến 10 người hiện nay hoặc đầu tư kinh phí cho việc điều hành site. Thay vào đó, ông muốn sử dụng vốn có được để xuất bản Wiki DVD miễn phí cho những khu vực nghèo không có điều kiện tiếp cận Internet.

Theo VnExpress
  • 309