Wikipedia và những trò tinh nghịch

  •  
  • 607

Wikipedia là bách khoa toàn thư trên mạng phổ biến nhất và người đọc cũng có thể truy cập để thay đổi, bổ sung nội dung của bách khoa toàn thư. Và đây là sơ hở để những trò đùa tinh nghịch và tai quái xuất hiện.

Tháng mười một năm ngoái, chính trị gia Hoa Kỳ John Seigenthaler đã đưa chuyện về Wikipedia lên tờ USA Today vì bách khoa toàn thư này đã đăng những thông tin sai lệch về ông trong suốt hơn bốn tháng. Do ông Seigenthaler không quá nổi tiếng nên tiểu sử sai lệch của ông cứ nằm đó suốt một thời gian, nói ông ta có liên quan đến vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy và em trai Robert Kennedy. Đó là trò đùa của một người đàn ông tên Brian Chase ở Tennessee (Hoa Kỳ) muốn trêu đồng nghiệp của mình!

Chính trên Wikipedia khi kể về John F. Kennedy con, một độc giả tinh nghịch đã nói rằng Kennedy con bị côn đồ Nga săn đuổi trong ngày bố mình bị hạ sát. Cậu bé sau đó được lực lượng tình báo Trung Quốc đưa tới Siberia và cuối cùng được một bầy sói nuôi dưỡng đến lớn. Các người đẹp Sharon Stone và Demi Moore thì được vinh dự là giám đốc KGB trong các giai đoạn 1958-1961 và 1961-1967.

Trong định nghĩa về “thế giới mới”, những người tinh nghịch cho rằng Hitler không chết và người Đức đã kịp nhân bản Hitler trước khi hắn tự sát. Còn Mussolini, Stalin, Thành Cát Tư Hãn và Saddam Hussein được cho là những kẻ đã cướp máy bay đâm vào tòa nhà WTC và Lầu Năm Góc năm 2001.

Trò đùa không dừng lại khi triết gia Platon được định nghĩa là một ngôi sao điện ảnh trẻ con bị chết vì dùng ma túy quá liều, trong khi cuộc cách mạng tư sản Hoa Kỳ được định nghĩa là cuộc chiến giữa khỉ và chuột đồng vì một quả chuối tên bob.

Theo thống kê, Wikipedia có khoảng hơn 4.000 sai sót kiểu này, được người quản trị website phát hiện, xóa đi và tập hợp lại tại http://en.wikipedia.org/wiki/Wikipedia:The_original_Bad_Jokes_and_Other_Deleted_Nonsense.

Hiện nay các biện pháp tăng cường khả năng kiểm soát của những người quản trị đang được xem xét, cân nhắc.

T.Tuấn

Theo BBC, Wikipedia, Tuổi Trẻ Online
  • 607