World Cup cũng là sự kiện lớn của ngành CNTT

  •  
  • 66

Chưa một một giải vô địch bóng đá thế giới nào trước đây lại yêu cầu cao về công nghệ và hạ tầng cơ sở kỹ thuật như năm nay. Các nhà tài trợ World Cup và đối tác kỹ thuật của FIFA như Avaya, Telekom và Toshiba đã đóng vai trò nổi bật.

"Toàn bộ tiến trình tổ chức được hỗ trợ bằng nhiều hệ thống thông tin kết nối mạng với nhau và mọi người có thể đăng nhập tại tất cả các địa điểm có liên quan", Ralph Dietz, lãnh đạo công nghệ và viễn thông của Ủy ban tổ chức địa phương (LOC), giải thích.

Hệ thống ánh sáng tại sân vận động diễn ra World Cup 2006. Ảnh: CNet

Các ứng dụng được dùng trong việc tổ chức giải thi đấu được gộp chung dưới khái niệm "Hệ thống quản lý sự kiện" (Event Management System), như cấp giấy phép cho giới báo chí, điều khiển vận tải, quản lý biên bản, vật liệu và tiếp vận (logistics) cũng như kế hoạch điều hành cho khoảng 15.000 tình nguyện viên, dịch vụ kết quả thi đấu...

"Nhiệm vụ công nghệ quan trọng khác là kết nối mạng các trung tâm truyền thông, trang bị cho nơi làm việc của giới báo chí, kiểm tra điện tử lối vào sân vận động, hệ thống điện thoại ISDN và VoIP, truy cập Internet băng rộng hay các hệ thống dẫn giao thông", Dietz tóm tắt các yêu cầu về CNTT.

Vai trò của nhà tài trợ


Toshiba cung cấp toàn bộ máy tính xách tay cho nhân viên của FIFA, LOC và các tình nguyện viên. Avaya là công ty quản lý mạng hội tụ hỗ trợ truyền thoại và dữ liệu trong sân thi đấu và kết nối chúng với nhau, trong khi Deutsche Telekom chịu trách nhiệm về mạng viễn thông đô thị (Metropolitan Area Network) và liên kết thông tin. Ngoài ra, Deutsche Telekom lắp đặt và vận hành hạ tầng cơ sở kỹ thuật cho nơi làm việc của giới truyền thông.

Hãng Philips đã phân phối chip RFID cho 3,2 triệu vé vào cửa, chiếu sáng 8 trong số 12 sân vận động, trang bị màn hình LCD cho trung tâm truyền thông, khán đài báo chí và nhiều màn hình lớn trong thành phố. Còn Yahoo vận hành trang web chính thức của World Cup www.fifaworldcup.com và kênh truyền thông cho giới báo chí.

Áp lực thời gian và địa điểm nối mạng

Thách thức lớn nhất cho các chuyên gia CNTT tại World Cup 2006 là việc xây dựng hệ thống mạng hội tụ phức tạp chỉ trong thời gian ngắn. Do tất cả các sân vận động của giải đều nằm trong lịch trình thi đấu thường lệ của mùa bóng Bundesliga, ban tổ chức không thể thay đổi hạ tầng công nghệ trước ngày thi đấu cuối cùng. "Chúng tôi chỉ còn chưa đầy 2 tuần để kiến thiết toàn bộ mạng và đưa vào vận hành", Karsten Hobbie, Trưởng dự án mạng FIFA của Avaya, cho biết.

Một thách thức khác là số lượng lớn các địa điểm cần phải nối kết mạng. "Chúng tôi phải kết nối tới khoảng 70 địa điểm với nhau, tương đương với một doanh nghiệp lớn có nhiều trụ sở khác nhau với những yêu cầu khác nhau", Hobbie nói. Những khu vực này bao gồm 12 sân vận động, mạng lưới truyền thoại và dữ liệu, trung tâm truyền thông quốc tế, khách sạn của FIFA và các đội tuyển, "Trung tâm chào mừng" (Welcome Center) tại nhà ga và cảng hàng không, Trung tâm kiểm soát IT của FIFA tại Munich và Trung tâm dữ liệu tại Bamberg, nơi chịu trách nhiệm về Hệ thống quản lý sự kiện của FIFA..."

Công ty con T-Sytems của Deutsche Telekom đã dùng mod vận chuyển không đồng bộ (Asynchronous Transfer Mod - ATM) để kết nối các địa điểm. "FIFA yêu cầu chất lượng trong mạng truyền thoại và dữ liệu còn cao hơn cả của khách hàng doanh nghiệp", Udo Grossecappenberg, điều phối dự án tại T-Systems, nhấn mạnh.

Trang bị mạng cho giới truyền thông

Ban tổ chức dự đoán khoảng 15.000 đại diện của giới truyền thông (nhà báo và chuyên viên kỹ thuật) đến từ khắp nơi trên thế giới để tường thuật về World Cup. Vì thế, T-Systems đã lắp đặt trên khán đài báo chí, trong studio và nhiều khu vực của giới truyền thông mạng Internet tốc độ 2 Mb/giây và 30.000 điện thoại ISDN. Ngoài ra, T-Systems đã cùng Avaya thiết lập cho FIFA một mạng VoIP với khoảng 3.000 điện thoại trên toàn nước Đức.

Tín hiệu TV qua cáp quang

Trung tâm truyền thông quốc tế (IMC) trong khu vực hội chợ tại Munich được chia thành International Broadcasting Center (IBC) cho truyền thanh - truyền hình và Main Press Center (MPC) cho giới báo chí. Lần đầu tiên tín hiệu truyền hình từ sân vận động được dẫn qua cáp quang học đến trung tâm phát sóng IBC tới vệ tinh đến các nước trên thế giới.

Hệ thống cáp quang do T-Systems cung ứng có dung lượng 155 Mb/giây. Wolrd Cup 2006 cũng là sự kiện thể thao đầu tiên cho phép hình ảnh được truyền đi dưới định dạng kỹ thuật số DHTV (High Definition Television) với tỷ lệ màn hình 16:9.

Vé vào cửa sử dụng RFID

Để loại trừ khả năng giả mạo và vé chợ đen, toàn bộ hơn 3 triệu vé của World Cup được gắn chip RFID của Philips. Những chip này không chứa dữ liệu cá nhân mà là một dạng mật mã. Khi vào cửa, thiết bị đọc sẽ gửi thông tin lưu trong chip về một máy tính trung tâm để so sánh với cơ sở dữ liệu. Vì thế, chỉ trong vài phần giây, hệ thống đã có thể khẳng định được là vé có giá trị hay không và tránh mất thời gian kiểm tra thủ công từng vé.

Hạ tầng cơ sở IT cho Wolrd Cup 2006

500 - 600 bộ chuyển mạch (switch) đã được lắp ráp trong các sân vận động. 15.000 km dây cáp đồng với tổng chiều dài 1.000 km đã được sử dụng.

4.500 thiết bị được kết nối với mạng hội tụ truyền thoại và dữ liệu, trong đó có khoảng 3.000 điện thoại IP.

10.000 màn hình mỏng với kích thước 16 - 50 inch được cung cấp cho phóng viên và giới truyền thông. Các màn hình lớn trong thành phố có diện tích từ 60 đến 200 m2.

Các hệ thống dẫn giao thông "thông minh" trong thành phố giúp người lái xe tìm đường đi đến sân vận động nhanh nhất và chỗ đậu ô tô còn trống gần nhất.

Hệ thống hoa tiêu COX (Communication and Orientation eXpert) hoạt động trên điện thoại và các thiết bị di động có khả năng nhận tín hiệu GPS, GMS, GPRS, WLAN và Bluetooth. Thông qua COX, người đến sân vận động có thể chọn lộ trình đẹp nhất, nhanh nhất và rẻ tiền nhất.


Phan Ba

Theo Computerwoche, VnExpress
  • 66