|
Chiếc cổ dài của xà đầu long dùng để mò trai sò dưới đáy biển. |
Các nhà khoa học đã tìm thấy một bữa ăn hải sản trong bụng hoá thạch của 2 con xà đầu long cổ dài sống cùng thời với khủng long.
Kết quả này cho thấy những con vật này có chế độ dinh dưỡng cân bằng hơn chúng ta tưởng, và lý giải vì sao chúng sống sót trong hàng triệu năm.
Xà đầu long là loài bò sát ăn thịt với chiếc cổ dài kinh dị. Những con thuộc dòng họ elasmosaur có cổ dài nhất, gấp đôi chiều dài của mình và đuôi cộng lại. Chúng có rất nhiều răng nhọn nhỏ và sắc, phù hợp với việc bắt cá và mực. Các cuộc nghiên cứu hoá thạch xà đầu long ở Bắc Mỹ cũng đã chứng tỏ điều đó. Trên cơ sở đó các nhà khoa học cho rằng chiếc cổ dài của chúng là để thích nghi với việc bắt cá và mực vốn lẩn trốn nhanh nhẹn.
Nhưng nghiên cứu mới do Stephen Wroe tại Đại học Sydney, Australia, thực hiện tìm thấy chiếc cổ dài của xà đầu long còn cho phép con vật kiếm ăn ở tận dưới đáy đại dương.
"Wroe và cộng sự đã phân tích dạ dày hoá thạch của 2 con xà đầu long sống khoảng 100 - 110 triệu năm trước được tìm thấy ở bắc Queensland. Một chiếc dạ dày chứa đầy những vỏ sò vỡ vụn và ốc sên, trong khi chiếc kia chứa những mẩu sò nhỏ.
Wroe cho rằng việc xà đầu long có chế độ ăn đa dạng như vậy có thể lý giải vì sao chúng lại tồn tại lâu đến thế. "Xà đầu long cổ dài sống sót trong khoảng ít nhất 135 triệu năm và đó thực sự là một kỳ tích".
Cả hai con xà đầu long đều có những viên sỏi to trong bụng, có thể dùng để nghiền nát những vỏ sò cứng.
Wroe cho biết đã có cuộc tranh cãi về chức năng của những viên sỏi trong bụng xà đầu long. Một số người cho rằng chúng có tác dụng như đồ dằn. Nhưng chỉ một vài kg sỏi không thể gây tác động lên sức nổi của con bò sát 2 tấn.
Việc phát hiện ra vỏ sò trong bụng xà đầu long giờ cho thấy sỏi bụng còn có một chức năng khác. "Chắc chắn sỏi có khả năng hữu hiệu nghiền nát trai sò. Răng của chúng không phù hợp để xử lý những động vật vỏ cứng như vậy".
M.T. (theo
ABC Online)