Các nhà khảo cổ Trung Quốc phát hiện tổng cộng 165 ngôi mộ cổ có niên đại hàng thiên niên kỷ tại một khu di tích ở thành phố Hà Trạch, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc.
Một địa điểm khai quật ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Theo viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ tỉnh Sơn Đông, các ngôi mộ được khai quật ở thành phố Hà Trạch bao gồm 156 ngôi mộ có từ thời nhà Hán và 9 ngôi mộ từ thời Đông Chu. Trước đó, các nhà khảo cổ tỉnh Sơn Đông cũng đã khai quật và phát hiện 5 ngôi mộ cổ từ thời nhà Thương và 27 ngôi mộ từ thời Văn hóa đồ đá Long Sơn tại khu di tích này.
Theo đánh giá của các nhà khảo cổ, những ngôi mộ thời nhà Hán được xây dựng bằng đất với cấu trúc có lối đi hoàn chỉnh, các quan tài được thiết kế bằng gạch với nhiều bức tượng nhỏ làm bằng gốm phía bên trong. Các ngôi mộ thời nhà Thương có ít đồ vật được tìm thấy nhưng các ngôi mộ thời Văn hóa Long Sơn lại có nhiều đồ tạo tác, bao gồm nhiều mảnh gốm sứ mang các họa tiết khác nhau.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, những ngôi mộ cổ được phát hiện sẽ giúp họ có cái nhìn sâu sắc và quý giá về sự tiến hóa cũng như sự hội nhập văn hóa của Trung Quốc trong khu vực những thiên niên kỷ trước đây.