Cùng với việc đón nhận một loạt các sự kiện quan trọng: trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức thành công Hội nghị APEC 14, Mỹ thông qua Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn PNTR cho Việt Nam, thì chính phủ điện tử (CPĐT) cũng có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn lúc nào hết. Tuy nhiên, để có thể phát triển thành công CPĐT thì chúng ta vẫn còn hàng loạt những câu hỏi lớn đang chờ câu trả lời.
Ngày 13/12 tại Hà Nội, Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG Việt Nam phối hợp với Sở Bưu chính Viễn thông thành phố Hà Nội khai mạc sự kiện thường niên Hội nghị Chính phủ Điện tử Việt Nam lần thứ 4 dưới sự bảo trợ của Bộ Bưu chính Viễn thông và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội.
“Chính phủ điện tử - Cầu nối giữa Chính phủ, doanh nghiệp và công dân” là chủ đề chính được các đại biểu trao đổi tại Hội nghị lần này nhằm đánh giá bao quát tất cả các hoạt động thực tiễn của CPĐT tại Việt Nam; xây dựng CPĐT nhằm tạo ra sự thay đổi năng lực quản lý và điều hành cho chính phủ, từ đó tạo ra các dịch vụ công tốt hơn, mang lại lợi ích thực sự cho doanh nghiệp và công dân.
Đánh giá sơ bộ về tình hình phát triển CPĐT ở Việt Nam, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ BCVT Vũ Đức Đam cho biết, trong thời gian qua, chúng ta đã làm được nhiều việc để phát triển CPĐT. Nhưng có nhiều câu hỏi đặt ra mà Hội thảo lần này phải tìm câu trả lời: Chúng ta đã quyết tâm sâu sắc xây dựng CPĐT chưa? Những quyết tâm đó đã được biến thành những dự án thực hiện cụ thể chưa? Chúng ta đã có mô hình tổng thể phù hợp với tình hình thưc tế của Việt Nam và thế giới chưa? Ai chịu trách nhiệm xây dựng CPĐT ở Việt Nam?,… giải quyết được những vấn đề này, Hội thảo sẽ là một động thái tạo động lực cho sự phát triển của CNTT Việt Nam năm 2007 và sẽ đẩy mạng được việc ứng dụng CNTT vào điều hành của các cơ quan chính phủ.
Về việc xây dựng CPĐT ở Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thanh Hải đến từ Trung tâm nghiên cứu CPĐT, Trường ĐH Wesada, Nhật Bản cho rằng: “Ở Việt Nam, các xu hướng xây dựng CPĐT thường có xu hướng từ các nhà hoạch định chính sách đi xuống, do vậy thiếu tính khả thi và bền vững. Để lập kế hoạch chiến lược một cách hiệu quả hơn, chính phủ cần có thông tin đầy đủ về công dân, mục tiêu cuối cùng của việc xây dựng CPĐT. Khả năng kinh tế, sự sẵn sàng về hạ tầng viễn thông, tâm lý miễn cưỡng và hạn chế về thời gian là những khó khăn ngăn cản người dân sử dụng Internet. Đối với nhóm người đang sử dụng, trình độ giáo dục, tuổi tác, kinh nghiệm sử dụng CNTT-VT, trình độ CNTT-VT và các kỹ năng xã hội, tài chính và thời gian cũng như sự sẵn sàng của các dịch vụ CPĐT là những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến việc khai thác các ứng dụng CNTT-VT nói chung và CPĐT nói riêng”.
Cũng theo bà Hải, trên các kết quả nghiên cứu cho thấy, các hoạt động xây dựng CPĐT cần hướng tới người sử dụng CNTT-VT. Trong nhiều giải pháp, việc mở rộng và phối hợp các kênh thông tin CPĐT, đặc biệt là chính quyền địa phương, quán Internet và các điểm Bưu điện văn hoá xã, là những giải pháp đưa các dịch vụ của Chính phủ tới người dân chưa sử dụng.
Với tâm huyết phát triển CPĐT ở Việt Nam, nhiều bài báo cáo có giá trị thực tiễn của các diễn giả trong và ngoài nước đã được trình bày tại hội thảo. Điển hình trong số đó là trình bày về tiến trình số hoá Quốc hội của ông Ngô Minh Châu - Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm tin học, Quốc hội Việt Nam; trình bày về thực tế triển khai CPĐT tại Việt Nam của ông Trần Minh Tiến – Viện trưởng Viện Chiến lược Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin, Bộ Bưu chính Viễn thông.
Theo ông Lê Thanh Tâm - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế - IDG Việt Nam và Đông Dương, hội nghị là một diễn đàn mở về Chính phủ Điện tử, với sự tham gia của đông đảo chuyên gia hoạch định chính sách, đại diện của các tổ chức Quốc tế cùng các nhà cung cấp giải pháp, sẽ đem đến cái nhìn đầy đủ và cụ thể hơn về những yêu cầu cũng như những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai CPĐT. Những đề xuất và khuyến nghị tại Hội nghị này sẽ là cơ sở quan trọng cho quá trình xây dựng và hoạch định chính sách phát triển CPĐT trong thời gian tới.
L.Quang