120.000 giếng dầu bỏ hoang bị ví như bom nổ chậm ở Canada

  •  
  • 224

Các giếng dầu bỏ hoang giải phóng chất gây ô nhiễm đất đai và không khí, đe dọa môi trường ở nhiều tỉnh của Canada.

Với lớp sơn đỏ bong tróc, đồng hồ áp suất vỡ nát và cần trục đổ kềnh trên mặt đất, một giếng dầu bị bỏ hoang ở miền tây Canada, giống như hàng chục nghìn giếng dầu khác đã ngừng hoạt động suốt nhiều thập kỷ nhưng không bao giờ được bịt lại. Các nhà hoạt động và chuyên gia lo ngại sự tồn tại của những giếng dầu không hoạt động, thường đào sâu hàng trăm mét bên dưới mặt đất ở tỉnh Alberta, đang trở thành quả bom sinh thái hẹn giờ đối với cả nước, AFP hôm 13/7 đưa tin.

 Một giếng dầu ở gần Red Deer, Alberta.
Một giếng dầu ở gần Red Deer, Alberta. (Ảnh: AFP).

"Mỗi giếng dầu đều xây từ thép và bê tông. Chúng bị xói mòn và nứt vỡ", Regan Boychuk, nhà sáng lập Reclaim Alberta, tổ chức kêu gọi dọn sạch giếng dầu, cho biết. "Mỗi hố sâu đó cần được quản lý và theo dõi do nguy cơ rò rỉ".

Giếng dầu cũng giải phóng methane, một khí nhà kính mạnh với tác động lớn gấp 86 lần so với phân tử khí carbon dioxide trong thời gian 20 năm, giáo sư Mary Kang ở Đại học McGill, nhấn mạnh. Theo dữ liệu năm 2022 của chính phủ Canada, có hơn 120.000 giếng dầu ngừng hoạt động nhưng chưa được bịt kín ở tỉnh Alberta và Saskatchewan. Giếng dầu lâu đời nhất bị bỏ hoang từ thời Thế chiến I. Những giếng này giải phóng trung bình 16.000 tấn khí methane mỗi năm trong hơn một thế kỷ, tương đương 545.000 tấn khí carbon dioxide hàng năm hoặc lượng khí thải trong một năm của 237.000 phương tiện.

Phần lớn giếng dầu xây vào lúc bắt đầu kỷ nguyên dầu khí giữa thập niên 1860 và cuối những năm 1940. Ở vài tỉnh của Canada, nơi có trữ lượng dầu lớn thứ 4 trên thế giới, giếng dầu thậm chí không có giấy phép đăng ký. Sau nhiều thập kỷ mở rộng công nghiệp, Alberta ghi nhận số lượng giếng dầu ngừng hoạt động tăng nhanh chóng từ năm 2010, đặc biệt sau khi giá dầu thô sụt giảm năm 2014.

Theo luật Canada, các công ty năng lượng phải trả chi phí san lấp giếng và dọn vệ sinh khu vực xung quanh, nhưng không có thời hạn hoàn thành công việc. Điều này cho phép công ty dầu khí trì hoãn công việc san lấp vô thời hạn, hoặc chuyển giao giếng dầu không hoạt động cho công ty nhỏ hơn. Khi công ty nhỏ nộp đơn phá sản, gánh nặng môi trường đối với giếng dầu bỏ hoang rơi vào nhà chức trách địa phương. Qua một thập kỷ, số lượng giếng dầu bỏ hoang ở Alberta bùng nổ từ 700 vào năm 2010 lên gần 10.000 vào năm 2023. Chính quyền ở Ottawa cho biết chi phí dọn giếng dầu tăng vọt từ 272 triệu USD vào năm 2020 lên 1,1 tỷ USD năm 2025.

Trên mảnh đất của Albert Hummel, một nông dân ở miền nam Alberta, có 7 giếng dầu bỏ hoang. Nhưng ông nằm trong số những người may mắn bởi một số giếng đã được san lấp và cải tạo, hoặc khôi phục về trạng thái ban đầu, chỉ có hai giếng dầu chờ xử lý. Theo Hummel, đó là một quá trình chậm rãi và cần nhiều thời gian.

Một khi đất đai bị ô nhiễm, cần hàng thập kỷ để chất gây ô nhiễm bay hơi. Sau đó, quá trình dọn dẹp mới có thể bắt đầu. Sau khi đất được thanh lọc, giếng dầu cần bịt kín bằng xi măng, cẩn thận thay thế mỗi lớp đất và san bằng khu vực so với xung quanh để hoàn thành việc cải tạo. Ngay giữa cánh đồng của Hummel, vết tích của một giếng dầu ngăn ông sử dụng phần đất đó do những đường ống nhô lên khỏi mặt đất. Trong nỗ lực đền bù thiệt hại, một công ty đề nghị lắp pin quang năng cho đến khi có thể khử ô nhiễm ở khu đất. Nhưng giải pháp này chỉ giống như giọt nước bỏ bể do với chi phí dọn dẹp.

Cập nhật: 17/07/2023 VnExpress
  • 224