Hàng trăm vụ cá voi sát thủ húc tàu: Sự trả thù hay chỉ là thú vui?

  •  
  • 241

Kể từ năm 2020, một đàn cá voi sát thủ ở eo biển Gibraltar đã húc tàu thuyền, ấn thân và đầu của chúng vào thân tàu và cắn, thậm chí cắn đứt bánh lái.

Theo tờ Guardian, trong 3 năm, hơn 500 vụ va chạm giữa tàu thuyền và cá voi sát thủ đã được ghi lại. Có ba chiếc thuyền bị chìm và hàng chục chiếc khác bị hư hại tại eo biển Gibraltar - lối dẫn từ Đại Tây Dương vào Địa Trung Hải.

Trước tình hình trên, ngày 11-7, Bồ Đào Nha đã ban hành lệnh cấm tàu thuyền tiếp cận cá voi sát thủ. Lệnh cấm này chủ yếu đối với các tàu thuyền du lịch cung cấp các dịch vụ đi ngắm cá voi.

Câu chuyện của đàn cá voi sát thủ (còn gọi là cá hổ kình) đã thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Điều gì dẫn đến hành vi chưa từng có này của chúng?

Cá voi sát thủ
Cá voi sát thủ - (Ảnh: iSTOCK).

Húc tàu vì... thích cọ xát vào vỏ tàu?

Các nghiên cứu có thể đưa ra quan điểm trái chiều, nhưng đều chung một nhận định: trong xã hội cá voi sát thủ, chúng theo chế độ "mẫu hệ", do đó mọi hành vi của đàn cá đều hòa hợp với con cái dẫn đầu.

Nhận định thống nhất thứ hai: cá voi sát thủ không hề muốn tấn công con người. Nếu muốn, chúng có thể tấn công hoặc ăn thịt những người đang bơi lội khắp nơi, nhưng chúng không làm như vậy.

“Đó có thể là một hành vi tò mò vui vẻ”, báo cáo về hành vi của cá voi sát thủ năm 2021 từ dự án GTOA (Atlantic Orca Working Group) viết. Đây là một dự án hợp tác nghiên cứu cá voi sát thủ của các nhà khoa học Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Giả thuyết trên khá phổ biến trong giới khoa học. Và được Philip Hoare, tác giả của tác phẩm về biển cả nổi tiếng Leviathan và Albert and the Whale, ủng hộ.

Ông Hoare đã thử tương tác với cá voi ở Sri Lanka, khi một con cá voi nhỏ húc đầu và tấn công thuyền của ông: “Tôi chưa bao giờ phấn khích và sợ hãi như vậy trong đời. Chúng cực kỳ mạnh mẽ, thông minh, được tổ chức cực kỳ tốt".

Giả thuyết lý giải: vỏ thuyền bằng sợi thủy tinh có thể mang lại cảm giác dễ chịu, và cá voi sát thủ thích thú với cảm giác chà xát da thịt vào vỏ tàu trơn bóng.

Một số đàn cá voi sát thủ Canada có vẻ thích cọ mình trên những viên sỏi nhẵn. Nhà sinh vật học Tom Mustill giải thích thêm đó cũng có thể là một xu hướng cá voi chào hỏi con người.

Học tập xã hội - từ nhau - được ghi lại rõ ràng trong văn hóa cá voi sát thủ. Barbara J King - giáo sư danh dự về nhân chủng học tại Đại học William & Mary, Virginia, đồng thời là tác giả của sách Animals Best Friends - cho biết: “Đây là những sinh vật có văn hóa. Trong xã hội cá voi thì con cái lãnh đạo. Chúng rất hòa hợp với hành vi của nhau, vì vậy chỉ cần con cái làm gì là cả đàn làm theo".

Cá voi sát thủ trả thù?

Báo cáo của Atlantic Orca Working Group 2021 cũng gợi ý rằng các tương tác của cá voi đôi khi cũng có thể là phản ứng của chúng với trải nghiệm của từng con cá voi.

Với một cá voi sát thủ "mẫu hệ" duy nhất trong đàn, dường như những tương tác bạo lực này bắt đầu sau một chấn thương hoặc vướng víu vào bánh lái tàu trước đó, khiến "cô ấy" hành động, và cả đàn sẽ làm theo. Lâu ngày thành một thói quen.

Theo tạp chí Marine Mammal Science, các nhà khoa học đã ghi nhận những con cá voi sát thủ thể hiện những hành vi bạo lực và dường như chúng đã dạy cho những con khác. Họ cũng đã chứng kiến một nhóm cá voi sát thủ tấn công, giết và ăn thịt cá voi xanh.

Bà King nói: "Dù lũ cá voi sát thủ đang làm gì, tôi nhận ra có những tác hại do con người gây ra". 

"Tôi ủng hộ ý tưởng về các khu bảo tồn biển cho cá voi sát thủ. Chúng cần sự yên bình để quên đi ký ức đau buồn giữa những cuộc va chạm, chữa lành vết thương tâm hồn, để ngày nào đó chỉ còn lại ký ức vui vẻ với con người, như chúng đã từng có", bà khẳng định.

Cập nhật: 14/07/2023 Tuổi Trẻ
  • 241