Bắt được cá da trơn khổng lồ quý hiếm trên sông Mekong

  •  
  • 2.312

Con cá da trơn khổng lồ to bằng gấu xám Bắc Mỹ mắc câu ngư dân Campuchia trên sông Mekong.

Đầu tháng 11, một nhóm ngư dân Campuchia bất ngờ bắt được con cá da trơn khổng lồ ở sông Mekong. Đây là lần đầu tiên loài cá này xuất hiện tại Campuchia trong một năm nay.

Zeb Hogan, nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu về cá ở Đại học Nevada, Mỹ, là người kiểm tra và đánh dấu con cá. Mắc câu trên khúc sông gần thủ đô Phnom Penh, con cá dài hơn hai mét và nặng khoảng 90 - 114kg.

"Nó không thuộc loại lớn đối với họ cá da trơn khổng lồ sông Mekong, nhưng vẫn lớn hơn mọi con cá da trơn đánh bắt ở Bắc Mỹ trong thế kỷ qua", Hogan nhận xét.

Con cá da trơn lớn nhất ở Bắc Mỹ từ trước tới nay nặng 65kg, lọt lưới ở Bắc Carolina năm 2011. Nhưng kích thước này khá khiêm tốn khi so với con cá da trơn khổng lồ bắt tại Thái Lan năm 2005, có trọng lượng 293kg và chiều dài 2,7 mét.

Bắt được cá da trơn khổng lồ quý hiếm trên sông Mekong
Con cá da trơn khổng lồ dài hơn hai mét. (Ảnh: Đại học Nevada).

Đúng như tên gọi, cá da trơn khổng lồ sông Mekong sinh sống trên hệ thống sông Mekong ở Đông Nam Á. Chúng là loài cá nước ngọt không vảy lớn nhất thế giới và mang tên "cá hoàng đế" trong vùng bởi kích thước và tầm quan trọng với văn hóa địa phương.

"Lần đánh bắt này rất thú vị bởi nó cho thấy loài cá có nguy cơ tuyệt chủng và vô cùng hiếm gặp này vẫn tồn tại trên dòng sông. Chúng di cư hàng năm từ hồ Tonle Sap vào sông Mekong để đẻ trứng", Hogan cho biết.

Vào thập niên 1800, hàng nghìn con cá da trơn khổng lồ sông Mekong bị bắt mỗi năm. Số lượng loài này giảm tới 95% do đánh bắt quá mức, tình trạng ô nhiễm và môi trường sống bị phá hủy. Chỉ vài con cá được phát hiện tại nơi sinh sống trong một năm.

Việc giết cá da trơn khổng lồ bị nghiêm cấm, nhưng một loạt con đập lớn mọc lên trên sông có thể hủy hoại môi trường sống của loài cá này. "Nếu tất cả nơi đẻ trứng của cá da trơn khổng lồ đều ở phía trên đập, chúng có thể rơi vào cảnh tuyệt chủng", National Geographic dẫn lời Hogan, người đã nghiên cứu loài cá suốt 20 năm.

Nhằm hiểu rõ hơn về hành vi của con cá, Hogan và các nhân viên của Bộ ngư nghiệp Campuchia gắn một chiếc thẻ nhựa lên vây nó. Nếu con cá được bắt gặp lần nữa, nhóm nghiên cứu có thể hiểu hơn hành trình di chuyển của nó. Con cá có thể sống trên 60 năm và cung cấp dữ liệu trong một khoảng thời gian.

Hogan lặn xuống độ sâu ba mét để thả con cá. Theo lời kể của ông, nó nhanh chóng bơi đi với tình trạng sức khỏe tốt.

Theo VnExpress
  • 2.312