Tại các trung tâm mua sắm ở Trung Quốc, những chiếc bồn cầu công nghệ cao có khả năng xét nghiệm mẫu nước tiểu đã được đưa vào sử dụng.
Theo trang Oddity Central (Anh), hình ảnh về chiếc bồn cầu kỳ lạ tại một trung tâm thương mại ở Bắc Kinh gần đây đã lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội và gây ra những cuộc tranh luận sôi nổi.
Bồn cầu tự xét nghiệm nước tiểu. (Ảnh: Bastille Post).
Bồn cầu được trang bị màn hình kỹ thuật số hoàn chỉnh với bộ xử lý thanh toán tích hợp, cho phép người dùng xét nghiệm nước tiểu sau khi tự đi tiểu. Thiết bị vệ sinh này cũng có cảm biến ẩn phân tích nước tiểu, có thể phát hiện một loạt các hoạt chất - bao gồm canxi, glucose, protein, thể ketone, ascorbate và các chất khác – trong cơ thể con người.
Thông tin hiển thị trên màn hình cho thấy nhà phát triển đã nhận được một số bằng sáng chế cho công nghệ xét nghiệm nước tiểu. Tuy nhiên, độ chính xác của xét nghiệm vẫn là một vấn đề gây tranh cãi.
Theo tờ Bastille Post, công ty phát triển bồn cầu công nghệ cao này nói rằng thiết bị của họ hoạt động theo nguyên tắc giống như các phòng xét nghiệm ở bệnh viện. Kết quả xét nghiệm có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo về sức khỏe. Nhưng dường như có rất ít người tin tưởng vào kết quả này, nếu xét đến vị trí của bồn cầu và các vấn đề vệ sinh.
Công ty này từng tuyên bố các kỹ sư của họ đã xem xét các vấn đề vệ sinh khi thiết kế bồn cầu, nhưng chưa thực sự đi sâu vào chi tiết.
Bồn cầu này hoạt động theo nguyên tắc giống như các phòng xét nghiệm ở bệnh viện. (Ảnh: O.C).
Khi sử dụng bồn cầu, một thông báo sẽ xuất hiện trên màn hình: “Bạn sẽ nhận được báo cáo xét nghiệm nước tiểu sau khi đi tiểu, bạn sẽ trả tiền cho dịch vụ này?” cùng với mã QR để thanh toán. Quá trình xét nghiệm theo phương thức này sẽ hoàn tất trong khoảng 2 phút, sau khi quét mã và xác nhận thanh toán. Chi phí cho mỗi xét nghiệm là 2,8 USD - rẻ hơn rất nhiều so với chi phí xét nghiệm nước tiểu ở bệnh viện.
Bồn cầu công nghệ cao đã xuất hiện ở Trung Quốc từ năm 2021, nhưng thiết bị này mới được biết đến rộng rãi gần đây, sau khi một số bức ảnh bồn cầu ở khu thương mại của Bắc Kinh lan truyền trên mạng xã hội.
Theo một bác sĩ Trung Quốc, kết quả xét nghiệm nước tiểu do bồn cầu thông minh tiến hành chỉ nên được coi là một lời khuyến cáo về sức khỏe, do vẫn có những sai số nhất định so với xét nghiệm được tiến hành tại phòng khám hoặc bệnh viện.
Sau khi nhiều tranh cãi về chiếc bồn cầu thông minh này nổ ra trên mạng, một người dùng đã chia sẻ bức ảnh về một tuyên bố từ chối trách nhiệm có nội dung: “Sản phẩm này không phải là thiết bị y tế. Kết quả xét nghiệm do bồn cầu này thực hiện không thể được sử dụng làm cơ sở để chẩn đoán và chỉ nên sử dụng làm tài liệu tham khảo cho dữ liệu quản lý sức khỏe”.