Chu kỳ động đất mới ở Việt Nam?

  •   4,52
  • 3.074

Dư chấn của trận động đất 4,7 độ richter xảy ra lúc 9h ngày 23/06 gần đảo Phú Quý (Bình Thuận), khiến TP HCM rung chuyển. Trận động đất không lớn, nhưng theo một số chuyên gia, đây có thể là dấu hiệu của một chu kỳ động đất mới...

Theo GS Lâm Minh Triết, Viện Vật lý TP HCM, trận động đất trên diễn ra tại vùng biển Bình Thuận nằm trong hệ đứt gãy Thuận Hải – Minh Hải. Đây một trong những hệ đứt gãy hoạt động mạnh nhất của 14 hệ đứt gãy ở khu vực miền Nam.

Trong lịch sử, hệ đứt gãy của vùng biển Ninh Thuận từng có trận động đất tới 5,5 độ richter. Theo một số nhận định trong giới chuyên môn, vùng này có thể xảy ra động đất lớn hơn 6 độ richter.

Cần đặc biệt chú ý

TS Cao Đình Triều, Phó chủ tịch Hội Địa chấn châu Á, Tổng thư ký Hội Địa vật lý Việt Nam lại cho rằng, trận động đất hôm qua không nằm trong hệ đứt gãy Thuận Hải – Minh Hải, mà là đứt gãy Nam Côn Sơn, vì nằm cách bờ khoảng 150 km.

Hiện trong giới khoa học chuyên ngành có hai quan điểm: Các hệ đứt gãy khu vực này không thể có động đất mạnh được. Bảo vệ cho quan điểm trên, nhóm này đưa ra, các trận động đất quan sát được không mạnh. 

Đứt gãy được nghi vấn xảy ra động đất ngày 23/6 là đường số 14, vị trí gần đường số 3 (những số 2 gần kề). 


Năm 1877, tại vùng biển Bình Thuận xảy ra động đất 3 lần. Đến năm 1882, cũng tại vùng này đã xảy ra động đất và sóng dâng cao (có thể là sóng thần). Tài liệu của Cục Khảo sát địa chất Mỹ ghi nhận, hai trận động đất trên có cường độ 7 độ richter và có sóng thần nhỏ. Do vậy, động đất do đới đứt gãy Thuận Hải – Minh Hải có thể có thể mạnh đến 7,5 độ richter. Đứt gãy Nam Côn Sơn có thể yếu hơn, nhưng cũng có thể gây ra động đất từ 6 – 6,5 độ richter.

Theo TS Cao Đình Triều, các trận động đất lớn đã được lịch sử ghi nhận có tính chu kỳ, vào năm 1877, 1822, 1923 và trong những năm gần đây khu vực này liên tục xảy ra những trận động đất nhỏ thì cần phải đặt biệt chú ý, theo dõi. Có thể đây là dấu hiệu cho một chu kỳ động đất mạnh mới.

Cũng theo TS Cao Đình Triều, khó khăn lớn nhất của Việt Nam là chưa có đủ các trạm cảnh báo mà đa số lại tập trung tại phía Bắc. Ngay tại khu vực Bình Thuận, Vũng Tàu với các đứt gãy Thuận Hải – Minh Hải, Nam Côn Sơn vẫn chưa có trạm nào. Trạm gần nhất là ở Nha Trang, Đà Lạt…

Về năng lực của các trạm của Việt Nam chỉ ở mức “tàm tạm”, chưa thể tự giải quyết được mà phải dựa vào thế giới, như Cục khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS), hệ thống quan trắc động đất toàn cầu (GEOFON)…

Việc hai cơ quan này chưa đưa lên mạng của mình trận động đất 4,7 độ richter ở vùng biển Bình Thuận này có thể do trận động đất này nhỏ và không nguy hiểm. Động đất ở mức độ nguy hiểm và có thể gây thiệt hại phải trên 5 độ richter.

Nguy cơ thảm họa

Trong khi đó, ThS Đỗ Văn Lĩnh, Phó liên đoàn trưởng Liên đoàn bản đồ địa chất miền Nam, cho biết: vùng lãnh thổ từ Sông Cầu (Phú Yên) đến Mũi Cà Mau, Nam Côn Sơn có khoảng 22 đứt gãy có thể xảy ra động đất.

Đứt gãy xảy ra động đất ngày 23/6, có lẽ không nằm trong số đứt gãy có nguy cơ xảy ra động đất lớn nhất của vùng, nó chỉ là đứt gãy cấp hai. Đứt gãy cấp một, có khả năng phát sinh động đất lớn nhất trong khu vực này là đứt gãy Thuận Hải – Minh Hải và đứt gãy ở kinh tuyến 109. Tuy nhiên, việc xác định trận động đất ngày 23/6 liên quan đến đứt gãy nào cần tiếp tục theo dõi và nghiên cứu.

Theo ThS Lĩnh, hiện khó dự đoán có động đất tiếp theo trận động đất sáng 23/6 hay không. Tuy nhiên, theo dõi khu vực này trong những năm gần đây cho thấy có nhiều trận động đất nhỏ, có thể báo hiệu đây là một trận động đất mạnh. Nghiên cứu của ông Lĩnh và các nhà khoa học khác đều cho rằng chu kỳ động đất của khu vực này là khoảng 50 năm.

Về đứt gãy có khả năng phát sinh động đất ảnh hưởng trực tiếp đến TP HCM là đứt gãy sông Sài Gòn và đứt gãy sông Vàm Cỏ Đông, các quan sát gần đây, chỉ thấy những trận động đất từ 1,5 – 2,7 độ richter. Dự báo, đứt gãy cấp hai khu vực Nam Trung bộ có thể phát sinh động đất không vượt quá 7 độ richter, ThS Lĩnh cũng cho biết.

Cũng theo ThS Lĩnh, việc người ở các tòa nhà cao tầng tại TP HCM cảm nhận rõ rệt khi có dư chấn động đất là do nền đất yếu và biên độ dao động lớn. ThS Lĩnh cảnh báo, tình trạng các công trình ít được chú ý tính toán kháng chấn khi xây dựng, nếu xảy ra động đất từ 5,5 độ richter trở lên thì hiểm họa khó nói trước được.

Cách thoát nạn khi xảy ra động đất

Nếu động đất xảy ra trong lúc trong nhà, bạn cần chui xuống một gầm bàn lớn hay giường. Nếu không có gầm bàn, bạn cần tới đứng ở góc phòng hay cửa. Nếu điện cúp, bạn nên dùng đèn pin, đừng dùng nến hay diêm vì có thể gây hỏa hoạn. Nếu động đất xảy ra trong lúc ở ngoài đường, bạn cần tránh xa các tòa nhà và dây điện, tìm đứng ở chỗ trống. Nếu động đất xảy ra trong lúc lái xe, bạn cần ngừng xe ở lề đường, tránh các cột điện, dây điện, và đường cầu.

Nếu trải qua một trận động đất mạnh, bạn cần kiểm tra thử có ai bị thương không. Không nên di chuyển người bị thương, trừ khi họ ở gần dây điện hay những nguy hiểm khác. Nếu bị nhà sập, bạn cần tạo tiếng động để kêu cứu.

Ngoài ra, bạn cũng cần chuẩn bị cho các trận dư chấn, những trận động đất gây ra bởi trận động đất vừa xảy ra, tuy chúng nhỏ hơn, chúng vẫn có thể gây ra thương tích.

Theo Báo Đất Việt
  • 4,52
  • 3.074