Viễn cảnh tồi tệ vào năm 2060

  •   32
  • 2.004

Trong trường hợp xấu nhất, nhiệt độ thế giới có thể tăng đến 4 độ C vào năm 2060, các quốc gia cần phải chi trung bình 270 tỉ USD mỗi năm chỉ để chống chọi với mực nước biển tăng nhanh.


Băng tan ở Bắc cực. (Nguồn Internet)

Đó là dự đoán của các nhóm chuyên gia quốc tế tại Viện Xã hội Hoàng gia có trụ sở tại Anh, sau khi kết luận các biện pháp cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính hiện nay trên thế giới không chứng tỏ hiệu quả như mong đợi. Theo báo Telegraph, các nhà khoa học dự đoán rằng nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng hơn 4 độ C trong vòng 50 năm nữa.

Sự tăng nhiệt độ nhanh chóng trên, diễn ra trong thời gian của một đời người, cao gấp đôi so với mức trần 2 độ C đã được 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đặt ra trong Hội nghị về biến đổi khí hậu hồi năm ngoái. Hậu quả của viễn cảnh mới nhất này là nguồn cung cấp nước và thực phẩm tại nhiều nơi trên thế giới sẽ bị ngưng trệ.

Các cuộc nghiên cứu với dự đoán vô cùng ảm đạm trên đã được công bố trùng với sự kiện hội nghị về biến đổi khí hậu do LHQ tổ chức tại Cancun, Mexico, bắt đầu từ ngày 29.11. Hiện chỉ có vài nhà khoa học từng nghiên cứu về ảnh hưởng khủng khiếp khi nhiệt độ thế giới tăng thêm 4 độ C, nhưng theo chuyên gia Mark New của Đại học Oxford, ảnh hưởng sẽ nặng nề hơn đối với các thành phố biển, ngành trồng trọt, hệ thống nước ngọt, hệ sinh thái...

Một trong các cuộc nghiên cứu đã đưa ra cái gọi là “ước tính thực dụng”, theo đó mực nước biển trên thế giới có thể dâng cao từ 0,5 đến 2m vào năm 2100, nếu nhiệt độ tăng thêm 4 độ C.

Để đối phó với mực nước biển dâng cao thêm 2m, thế giới cần khoản đầu tư đến 270 tỉ USD/năm vào năm 2100. Lúc đó, hạn hán và sa mạc hóa sẽ diễn ra trên diện rộng, cần phải chuyển nơi trồng trọt sang chỗ khác, các hệ sinh thái sẽ bị tác động khủng khiếp, theo Rachel Warren của Đại học Đông Anglia.

Bên cạnh đó, chuyện thiếu các biện pháp bảo vệ đồng nghĩa với việc phải tái định cư bắt buộc đối với 187 triệu người. Người sống tại các hòn đảo nhỏ, ở châu Á, châu Phi hoặc các vùng châu thổ sông thuộc vào nhóm đối mặt với nguy cơ cao nhất.

Các cuộc nghiên cứu kết luận chính phủ các nước cần phải mạnh tay hơn nữa trong việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời nghiên cứu những biện pháp hỗ trợ để làm mát trái đất.

Theo Thanh niên
  • 32
  • 2.004