El Nino lần này đáng sợ tới mức nào?

  •  
  • 202

Nhiệt độ tăng ở bắc Đại Tây Dương, trong khi băng biển ở Nam Cực giảm xuống làm dấy lên lo ngại về thiệt hại trên diện rộng do thời tiết khắc nghiệt.

“Rất bất thường”, “đáng lo ngại”, “đáng sợ” “điên rồ” là những từ mô tả phản ứng của các nhà khoa học trước sự gia tăng nhiệt độ bề mặt bắc Đại Tây Dương trong 3 tháng qua.

Ngọn lửa thiêu rụi cánh đồng lúa mì trong đợt nắng nóng ở tỉnh Zamora, Tây Ban Nha
Ngọn lửa thiêu rụi cánh đồng lúa mì trong đợt nắng nóng ở tỉnh Zamora, Tây Ban Nha vào năm 2022. (Ảnh: Reuters).

Nó đặt ra câu hỏi liệu khí hậu thế giới có đang bước vào giai đoạn thất thường và nguy hiểm hơn khi hiện tượng El Nino khiến toàn cầu nóng lên bắt đầu.

Kể từ tháng 4, sự nóng lên dường như đã đi vào quỹ đạo mới, theo Guardian.

“Nếu vài thập kỷ trước, một số người nghĩ rằng biến đổi khí hậu là hiện tượng diễn ra tương đối chậm, thì giờ đây chúng ta đang chứng kiến khí hậu thay đổi với tốc độ đáng sợ”, giáo sư Peter Stott, người đứng đầu cơ quan giám sát và phân bố khí hậu của Văn phòng Khí hậu Anh, cho biết.

“Khi El Nino hình thành trong suốt thời gian còn lại của năm nay, nó làm tăng thêm tác động nguy hiểm của hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người gây ra. Hàng triệu người trên khắp hành tinh và nhiều hệ sinh thái đa dạng sẽ phải đối mặt với thách thức phi thường, đồng thời gánh chịu thiệt hại lớn”, ông nhấn mạnh.

Tác động

El Nino là hình thái khí hậu tự nhiên sinh ra từ vùng nước ấm bất thường ở phía đông Thái Bình Dương. Nó hình thành khi gió mậu dịch thổi từ đông sang tây dọc theo vùng xích đạo Thái Bình Dương chậm lại hoặc đảo chiều trong bối cảnh áp suất không khí thay đổi.

 El Nino đang quay trở lại, thúc đẩy mối lo ngại thời tiết cực đoan.
Ngoài sự gia tăng nhiệt độ không thể ngăn cản do khí thải nhà kính gây ra, El Nino đang quay trở lại, thúc đẩy mối lo ngại thời tiết cực đoan. (Ảnh: Reuters).

Nó tác động ngay lập tức đến những sinh vật biển không quen với vùng nước ấm lên vài độ. Đáng lo ngại hơn, năng lượng dư thừa trong đại dương - nơi hấp thụ nhiệt lớn nhất thế giới - có thể mang đến những cơn bão dữ dội hơn bình thường. Đồng thời, nó kéo theo những cơn mưa có sức tàn phá lớn hơn và đợt nắng nóng kéo dài hơn.

Khi nhiệt độ bề mặt đại dương tăng cao kỷ lục được báo cáo vào tháng 4, một số người hy vọng đó chỉ là vấn đề tạm thời. Tuy nhiên, vào tháng 5, nhiệt độ trung bình trong khu vực bắc Đại Tây Dương đã đạt mức cao nhất kể từ năm 1850.

Sự bất thường này khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ liệu có điều gì đó không lường trước được - như một sự kiện "thiên nga đen" - đang diễn ra trong hệ thống khí hậu.

Một số cho rằng nhiều khả năng đó là kết quả của El Nino và các yếu tố tự nhiên khác, được khuếch đại bởi khí thải nhà kính từ ôtô, nhà máy và phá rừng.

Trong bối cảnh đó, Michael Mann, giáo sư tại Đại học Pennsylvania, cảnh báo điều quan trọng hơn là phải tập trung vào bức tranh toàn cảnh.

Việc đốt nhiên liệu hóa thạch đang dẫn đến những cơn bão mạnh hơn và có sức tàn phá lớn hơn. Đồng thời, nó cung cấp “nhiên liệu” cho các sự kiện thời tiết cực đoan, chẳng hạn hạn hán, sóng nhiệt, cháy rừng và lũ lụt.

Xung quanh Ireland và Anh, vùng nước ven biển ấm hơn vài độ so với mức trung bình trong năm. Các cơn bão hiện hình thành ở Đại Tây Dương sớm hơn bình thường, gần như chắc chắn là do năng lượng dư thừa đang tích tụ ở lớp bề mặt của đại dương.

Lần đầu tiên trong tháng 6, có hai cơn bão nhiệt đới được đặt tên đồng thời ở Đại Tây Dương là Bret và Cindy.

"Nhát búa"

Thay vì coi nhiệt độ tăng đột biến ở bắc Đại Tây Dương là sự kiện chỉ xảy ra một lần, Richard Betts, người đứng đầu bộ phận tác động khí hậu tại Trung tâm Met Office Hadley, nhận định: “Loại sự kiện này có thể xảy ra thường xuyên hơn”.

“Những biểu đồ (về nhiệt độ bề mặt Đại Tây Dương và băng biển ở Nam Cực) giống nhát búa khác giáng xuống tình hình khí hậu cấp bách mà chúng ta đang gặp phải”, ông nói.

 Mực nước sông Magdalena hạ thấp do thiếu mưa vào năm 2016.
Mực nước sông Magdalena, con sông dài nhất và quan trọng nhất ở Colombia, hạ thấp do thiếu mưa vào năm 2016. (Ảnh: Reuters).

Trong khi lượng khí thải do con người thải ra và El Nino có thể là nguyên nhân chính gây ra sự tăng nhiệt độ đột biến ở bắc Đại Tây Dương, Zeke Hausfather, nhà khoa học khí hậu của Viện Đột phá, cho biết cần thêm thời gian để tìm hiểu các yếu tố tiềm năng khác. Chẳng hạn, mức độ bụi ở Sahara ít đi bất thường trong năm nay, lượng lớn hơi nước ở tầng bình lưu, sự lưu thông của đại dương chậm lại và tần suất các sự kiện El Nino ngày càng tăng.

Nhìn rộng hơn, Hausfather cho biết các xu hướng phù hợp với mô hình khí hậu của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC). Mô hình cho thấy sự nóng lên sẽ tăng tốc trong những thập kỷ tới trừ khi lượng khí thải giảm.

Liệu viễn cảnh tồi tệ đến mức nào sẽ tùy thuộc vào cường độ và thời gian của El Nino đợt này. Carlos Nobre, một trong những nhà khoa học khí hậu hàng đầu của Brazil, cho biết có 60% khả năng El Nino năm nay sẽ mạnh.

Điều này sẽ “rất đáng lo ngại” đối với rừng nhiệt đới Amazon, nơi đã trải qua một số đợt suy thoái tồi tệ nhất trong giai đoạn 2015-1016, khi hiện tượng El Nino khiến mùa khô kéo dài hơn và khiến thảm thực vật dễ bị cháy hơn.

Ở những nơi khác trên thế giới, đợt El Nino mới nhất đã gây ra sự khốn khổ.

Tại Mexico, một số thành phố gần đây đã phá kỷ lục những ngày nóng nhất, bao gồm Chihuahua, Nuevo Laredo và Monclova.

Nhiều thành phố ở Texas cũng đang ngột ngạt trong đợt nắng nóng tồi tệ nhất từ trước đến nay. Điều này diễn ra cả tại Trung Quốc - nơi có hơn 20 thành phố, bao gồm Sơn Đông, Thiên Tân và Hoài Nhu đã báo cáo các đỉnh nóng mới.

Ở châu Âu, thị trấn Oberndorf của Áo ghi nhận nhiệt độ nửa đêm là 36,1 độ C. Đây một trong những nơi có nhiệt độ ban đêm cao nhất từ trước đến nay của lục địa già.

Ở Trung Đông, người dân đã quen với cái nóng nhưng họ thường kỳ vọng nhiệt độ sẽ dễ chịu hơn khi lên cao. Tuy nhiên, điều đó không xảy ra ở Iran vào tuần trước, khi nhiệt độ ở Saravan lên tới 45 độ C. Đây là một trong những ngày nóng nhất từng được ghi nhận ở độ cao hơn 1.000m.

Cập nhật: 06/07/2023 Zing
  • 202