Hiệu ứng khiến người "không biết canh cua nấu với rau đay" dễ được cảm thông

  •  
  • 3.103

Hiệu ứng Pratfall lý giải vì sao sự không hoàn hảo có thể khiến con người trở nên cuốn hút hơn và dễ lấy lòng người khác hơn.

Mạng xã hội đang bùng nổ tranh cãi quanh video một nữ kỹ sư ở Hà Nội phải nhờ sự trợ giúp ngay hai câu hỏi đầu tiên trong chương trình "Ai là triệu phú" vì không biết về hiện tượng El Nino loại rau hay được nấu cùng canh cua.

Nữ kỹ sư phải dùng quyền trợ giúp khi trả lời câu hỏi về loại rau hay nấu cùng canh cua
Nữ kỹ sư phải dùng quyền trợ giúp khi trả lời câu hỏi về loại rau hay nấu cùng canh cua. (Ảnh: YouTube).

Đa số bình luận chỉ trích nữ kỹ sư quá thiếu kiến thức sống, nhưng cũng có rất nhiều người nêu ý kiến bảo vệ cô gái, cho rằng không nên chỉ trích quá đà, đồng thời bày tỏ sự cảm thông với cô. Theo các nhà tâm lý học, đây có thể là kết quả từ hiện tượng tâm lý có tên gọi Pratfall Effect.

Nhà tâm lý học người Mỹ Elliot Aronson là người phát hiện ra hiệu ứng Pratfall, theo Guardian. Hiệu ứng Pratfall cho rằng sự cuốn hút của một cá nhân được cho là giỏi giang, hoàn hảo có thể tăng lên đáng kể sau khi mắc lỗi.

Theo lý thuyết này, về cơ bản, những người không bao giờ mắc lỗi được xem là kém hấp dẫn và ít được yêu thích hơn người thỉnh thoảng mắc lỗi. Sự hoàn hảo tạo ra khoảng cách và cảm giác không thể vượt qua trong mắt người khác. Nhưng khi phạm sai lầm, họ trở nên gần gũi và đáng mến hơn với số đông.

Món canh cua nấu rau đay.
Món canh cua nấu rau đay.

Aronson thực hiện thí nghiệm bằng cách yêu cầu một diễn viên chơi trò giải câu đố nhanh. Sau khi thể hiện màn trình diễn xuất sắc, trả lời đúng 92% câu hỏi đưa ra, diễn viên này giả vờ mắc một sai lầm nhỏ là làm đổ tách cà phê lên người.

Cuộn băng ghi hình thí nghiệm được bật cho một nhóm sinh viên tình nguyện xem. Aronson chia nhóm sinh viên vào hai buồng và bật cho họ xem hai phiên bản khác nhau của cuộn băng, một có phần làm đổ cà phê và một bị cắt cảnh này. Sau đó, ông hỏi các sinh viên về mức độ yêu thích của họ đối với diễn viên trên. Kết quả là phiên bản "diễn viên vụng về" được yêu thích hơn.

Phát hiện này còn lặp lại trong một loạt thí nghiệm khác. Ví dụ, nhà tâm lý học người Anh Joanne Silvester nhận thấy trong các buổi phỏng vấn, những ứng viên thừa nhận sai lầm trong quá khứ thường thu hút nhà tuyển dụng hơn.

Chiếc bánh thô ráp ở bên trái được yêu thích hơn chiếc bánh tròn trịa bên phải.
Chiếc bánh thô ráp ở bên trái được yêu thích hơn chiếc bánh tròn trịa bên phải. (Ảnh: Thamer).

Trong nghiên cứu về tâm lý người tiêu dùng của công ty truyền thông ZenithOptimedia ở Anh, điều tra viên hỏi 626 người về hai chiếc bánh quy xem họ thích chiếc nào hơn. Hai chiếc bánh hoàn toàn giống nhau về thành phần, ngoại trừ một chiếc có cạnh thô ráp, xù xì, trong khi chiếc còn lại hoàn toàn tròn trịa. Hơn 66% số người được hỏi trả lời họ thích chiếc bánh có phần mép gồ ghề hơn. Khuyết điểm nhỏ không ảnh hưởng tới sự hấp dẫn của chiếc bánh mà ngược lại còn khiến nó được yêu thích hơn.

Bởi vậy, các chuyên gia tâm lý cho rằng việc mắc những lỗi ngớ ngẩn không phải lúc nào cũng là thảm họa, nó có thể là cơ hội để bạn nhận được nhiều cảm tình hơn từ số đông.

Cập nhật: 25/11/2016 Theo VnExpress
  • 3.103