Điểm những hình ảnh thương tâm về Cụ rùa hồ Gươm

  •   4,37
  • 15.512

Lặn ngụp trong rác, dính lưỡi câu chùm, mang vết thương lở loét... là những hình ảnh bàng hoàng về Cụ rùa hồ Gươm năm qua.

Trong một năm qua, hàng loạt những hình ảnh ghi lại tình trạng thảm thương của Cụ rùa hồ Gươm đã được công bố rộng rãi khiến dư luận không khỏi bàng hoàng và lo lắng cho sức khỏe và tính mạng của Cụ rùa. Thậm chí, vấn đề này gần như đã trở thành chuyện “quốc gia đại sự” khi các nhà khoa học hàng đầu trong cả nước đã phải họp bàn khẩn cấp để tìm giải pháp bảo vệ Cụ rùa...


Sáng 17/1/2010, Cụ rùa hồ Gươm bất ngờ nổi lên thở trong một ngày hửng nắng tại khu vực ngã tư Bà Triệu - Tràng Thi. Đáng lưu ý là chỗ Cụ nổi lên đặc kịt rác và váng bùn. Cảnh tượng này khiến những người chứng kiến không khỏi lo lắng về tình trạng ô nhiễm ở hồ Gươm và sức khỏe Cụ rùa. Ảnh: Đinh Tuấn Anh.


Ngày 12/3/2010, một trang mạng xã hội đưa tin kèm video cảnh Cụ rùa bị tấn công bằng lưỡi câu chùm. Theo nhà rùa học Hà Đình Đức sự việc Cụ rùa bị tấn công bởi những kẻ câu cá trộm đã diễn ra nhiều năm nay. Nhà rùa học cũng đã công bố những bức ảnh cho thấy ít nhất hai lưỡi câu chùm đã từng mắc trên thân thể Cụ rùa. Ảnh: Hà Đình Đức.


Tháng 10/2010, những bức ảnh về cuộc 'xâm lăng' Hồ Gươm của rùa tai đỏ lần đầu tiên được công bố, nêu ra quan ngại về sự sinh sôi nảy nở của loài động vật xâm hại nguy hiểm sẽ đe dọa sự tồn tại của Cụ rùa hồ Gươm. Ảnh: Cao Mạnh Tuấn.


Chiều 22/11/2010, hàng trăm người dân và du khách đã chứng kiến Cụ rùa hồ Gươm nổi lên mặt nước, gần phía đền Ngọc Sơn với một đoạn dây cao su màu đen ngậm trong miệng. Theo một chuyên gia đầu ngành về bò sát ở Việt Nam, điều tối kỵ đối với rùa sống dưới nước là những túi nilon hoặc dây cao su. Nếu nuốt dây cao su vào ruột, tính mạng Cụ rùa sẽ nguy hiểm. Ảnh: Lê Thanh Hiếu.


Chiều 18/12/2010, nhiều người ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh Cụ rùa hồ Gươm cõng trên lưng rùa tai đỏ nổi trên mặt nước nhiều giờ. Rùa tai đỏ hiện đứng đầu trong100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới, có thể mang vi khuẩn gây bệnh thương hàn. Loài rùa này cũng được các nhà khoa học coi là mối nguy cơ lớn đến sức khỏe và tính mạng cụ rùa. Ảnh: Vũ Long.


Sau khi để rùa tai đỏ cưỡi trên lưng, sáng 30/12/2010 Cụ rùa lại nổi trên mặt nước với nhiều vết thương nhăm nhở và lở loét, lộ rõ trên cơ thể. Theo nhà rùa học Hà Đình Đức, rùa tai đỏ có thể là thủ phạm gậy ra những vết thương này. Ảnh: Vũ Long.


Bên cạnh đó, trong nhiều lần xuất hiện Cụ còn tỏ ra khá mệt mỏi và thường xuyên bơi nghiêng. Phần lớn thời gian Cụ chỉ ngóc đầu lên thở, thi thoảng mới nổi cả mai và trôi lững lờ phía gần sát bờ. Nhìn dáng bơi của Cụ rùa, những người chứng kiến không khỏi xót xa. Ảnh: Vũ Long.


Trưa 5/1/2011, nhiều người đã chứng kiến cảnh Cụ rùa lao hai ống ngầm chăng song song dưới lòng hồ từ bờ bên đường Đinh Tiên Hoàng sang đền Ngọc Sơn. Theo các nhân chứng, cụ rùa cứ quanh quẩn bên hai ống ngầm tới hơn nửa giờ đồng hồ và nhiều lần lao vào đường ống với vẻ quyết liệt. Dường như Cụ đang “giận dữ” một điều gì đó. Ảnh: Hà Hồng.


Ngày 11/2/2011, những hình ảnh Cụ rùa “bấu chân” lên bờ như đang kêu cứu được công bố trên nhiều báo mạng đã làm xôn xao dư luận. Tác giả bức ảnh là anh Hải Lê, đã chụp Cụ rùa ở một khoảng cách không thể gần hơn, chưa đầy 1m, khi Cụ đang
cố gắng bò lên bờ nhưng bất thành. Bức ảnh đã cho thấy những vết thương kinh hoàng không chỉ ở cổ, mai, mà ở quanh thân, các kẽ chân, móng chân, da... của Cụ rùa. Ảnh: Hải Lê.

Cập nhật: 04/02/2016 Theo Đất Việt
  • 4,37
  • 15.512