Loài vật cũng nhận ra mình trong tranh

  •  
  • 705

Truyền thuyết kể rằng, hoàng đế Maxêđoan không hài lòng với hình ảnh con ngựa yêu quý trong bức tranh vẽ ông cưỡi ngựa, bèn ra lệnh dẫn con tuấn mã tới để chỉ những sai sót cho họa sĩ. Vừa nhìn thấy hình ảnh của mình, ngựa ta bỗng ngửng đầu lên và cất tiếng hí rõ to...

Liệu con ngựa trong truyền thuyết nói trên có thật sự nhận ra nó trong bức tranh hay không? Loài ngựa và các con vật nói chung có khả năng nhận ra chân dung của chúng hoặc hình ảnh phản chiếu trong tấm gương hay không và liệu chúng có nhận dạng được những con vật khác cùng loại, hình nộm và những hình ảnh khác về đồng loại?

Những thử nghiệm lý thú

Sinh thời, nhà tâm lý động vật học người Đức Grogimec đã giải mã điều bí ẩn này. Ngay từ hồi còn trẻ, khi mới chỉ là một bác sĩ thú y, ông đã quyết định kiểm tra xem loài vật có khả năng nhận biết hình ảnh của mình hay không. Bạn ông, một chuyên gia dạy thú người Đức, có những con gấu xử sự với chú gấu nhồi bông hệt như đối với đồng loại sống động bằng xương bằng thịt. Thế nhưng chúng không mảy may chú ý tới hình con gấu sơn màu được cắt từ tấm gỗ dán ra.

Grogimec quyết định bắt đầu làm thí nghiệm từ những con ngựa.

(Ảnh: equisearch)
Ông đặt trên bãi quần ngựa một tấm bìa các tông lớn có vẽ hình con ngựa với kích thước to như thật. Tất cả lũ ngựa ứng xử với con vật trong tranh theo đúng phép tắc của họ nhà ngựa: Chúng ngửi tất cả những chỗ cần thiết trên cơ thể con ngựa giả rồi đứng sát bên cạnh nó.

Hơn thế nữa, mấy con ngựa đực thậm chí còn định nhảy lên phủ con ngựa cái trong tranh và người ta phải khó khăn lắm mới tách được chúng ra.

Sau đó, Grogimec dựng một bức tranh có hình con chó trên bãi quần ngựa. Bầy ngựa đứng nhìn tấm hình con chó một cách dè dặt nhưng không đến gần hơn 3 m. Chỉ có một con ngựa cái, có lẽ từng chơi thân với chó, mạnh bạo tiến lại gần chú chó đực trong tranh và ngửi đầu nó. Những con ngựa khác bị lôi đến chỗ bức vẽ và chúng tỏ ra rất khó chịu. Rõ ràng là bầy ngựa nhìn bức tranh không đơn thuần như một mảnh bìa có màu sắc mà như một con chó thật. Như vậy, ngựa đã nhận ra được hình đồng loại và các con vật khác trong tranh. Nhưng còn các con vật khác thì sao?

Hai con vẹt xanh cố tiến sát đến chỗ hai con vẹt thêu trên bức tranh và thậm chí còn khẽ mổ vào chỗ cái mỏ. Chúng đã chăm sóc nhau như thế đó.

Grogimec nuôi một con sói đã được thuần dưỡng. Có lần nó tưởng tấm gương là ô cửa sổ và định lao qua đó. Nó dường như không nhận ra được hình ảnh của mình. Thế nhưng hổ và sư tử cũng như mèo rừng lại bày tỏ thái độ ngay đối với hình bóng của chúng và rất quan tâm đến con thú trên màn ảnh nếu người ta cho chúng xem phim để làm thí nghiệm. Chúng có khả năng nhận ra được đồng loại trên bức tranh nếu như những con thú này có kích thước to bằng thật.

Khỉ và hắc tinh tinh là nhưng loài vật có họ hàng gần nhất với con người, chúng nhận ra mình trong gương, trên bức tranh, bất kể kích thước của những hình vẽ trong tranh. Lũ khỉ cũng nhận ra hình thù của những con vật khác và thậm chí lúc đầu còn định vồ lấy chúng.

Thú dữ cũng không phân biệt được thật - giả

Một phần tư thế kỷ đã trôi qua và Grogimec, lúc này đã trở thành một nhà khoa học có tên tuổi trên thế giới, quyết định lặp lại thí nghiệm của mình, lần này không phải với ngựa mà với loài dã thú. Ông đặt làm tại nhà máy sản xuất đồ nhựa và cao su một con voi, một con sư tử và một con tê giác bằng chất dẻo được bơm căng, cả 3 con thú này có kích thước to bằng thật. Và ông đến vườn quốc gia “Hồ Maniara” ở Tanzania để tiến hành cuộc thí nghiệm trong điều kiện dã ngoại. Lần này ông cộng tác với một nhà động vật học trẻ tuổi người Anh Ien Hamintơn chuyên nghiên cứu cuộc sống của loài voi trong vườn quốc gia.

Thoạt tiên, họ cho mấy con sư tử xem hình nộm một con ngựa vằn làm bằng chất dẻo rồi lánh sang một bên chờ đợi. Lũ sư tử mò đến bên hình nộm ngựa vằn, vồ lấy nó rồi xé nát. Và chúng rất ngỡ ngàng vì con mồi không ăn được.

Tiếp đó, họ lại cho mấy con sư tử khác xem người anh em của chúng bằng chất dẻo. Tuy nó không thật giống vị chúa sơn lâm cho lắm mà giống một thứ đồ chơi trẻ em, nhưng lũ sư tử lại tiếp nhận nó như kẻ đồng loại. Hai con sư tử đực tiến lại gần hình nộm và nhìn chằm chằm vào nó như thôi miên - những con sư tử chưa quen biết thường xử sự như vậy lúc gặp nhau khi chúng muốn hù dọa nhau. Một trong hai đối thủ cuối cùng không chịu nổi nên phải bỏ đi. Nhưng hình nộm sư tử dĩ nhiên là không biết làm điều đó, thậm chí không chớp mắt.

Một con sư tử cái mon men đến gần hình nộm nhưng bị hai chàng sư tử đực nổi giận đuổi đi, rõ ràng chúng sợ sự cạnh tranh. Cuối cùng, cả một bầy sư tử gồm những con sư tử cái và lũ sư tử con tiến lại. Chúng thay nhau ngửi hình nộm, vờn nó và vật ngã nó xuống đất. Một sư tử cái giương vuốt cào nhẹ vào nó làm thủng 4 lỗ khiến cho hơi xì ra và hình nộm xẹp xuống. Đoạn lũ sư tử bỏ đi.

Cuối cùng, Grogimec và Ien đặt một miếng thịt ở phía trước mặt con sư tử bằng chất dẻo rồi bỏ đi để cho con sư tử cái ngồi gần đấy có thể nhìn thấy tất cả. Nó lập tức rón rén đến gần, nhưng không dám chộp lấy miếng thịt bởi lẽ sư tử đực bao giờ cũng ăn đầu tiên. Chỉ đến khi một cơn gió làm cho hình nộm sư tử đực ngã xuống thì sư tử cái do tưởng “sư tử đực” nằm lăn ra ngủ nên mới thận trọng tha miếng thịt đi. Rõ ràng tất cả lũ sư tử đều coi con sư tử bằng chất dẻo là sư tử thật.

Sau đó, hai nhà khoa học chuyển sang làm thí nghiệm với tê giác. Grogimec nấp sau con tê giác to đùng bằng chất dẻo đã được bơm thật căng và đẩy nó về phía con tê giác thật. Trò này hoàn toàn không mạo hiểm như người ta tưởng, bởi lẽ những con tê giác đen châu Phi tuy nổi tiếng là hung dữ, nhưng không bao giờ đánh nhau một cách thật sự. Chúng thường chỉ dọa dẫm nhau mà thôi.

Lần này cũng như vậy. Hơn nửa giờ, con tê giác thật và con tê giác giả do Grogimec điều khiển chỉ tiến tiến lùi lùi dấm dứ nhau mà thôi. Sự khác biệt về hơi hướng không làm cho tê giác ta nghi ngờ, mặc dù khứu giác của chúng không thua kém gì loài chó. Thậm chí nó còn lấy sừng chạm vào cái sừng mềm mại bằng chất dẻo của đối thủ mà cũng không biết rằng nó bị lừa.

Mãi rồi cái trò đó cũng làm cho Grogimec phát chán; ông lùi dần về phía chiếc xe rồi đặt hình nộm vào thùng xe. Con tê giác thật rất hài lòng vì kẻ cạnh tranh với nó đã biến mất.

Cuối cùng, các nhà khoa học làm thí nghiệm với những con voi. Lần này, nhân vật chính là Ien Hamintơn. Ông cõng trên lưng một con voi lớn bằng chất dẻo được bơm thật căng và luồn đầu vào giữa hai chân trước của nó rồi tiến đến gần đàn voi rừng. Kẻ mới tới đã làm cho đàn voi chú ý và lúc thì con này, lúc thì con khác thử đến gần để thăm dò.

Nhưng rồi đàn voi cũng rút lui. Không một con nào định mò lại gần. Những người làm thí nghiệm cho rằng có lẽ là do con voi bằng chất dẻo có màu trắng chăng? Cần phải kiểm tra. Họ tìm một vũng bùn lớn, ném con voi giả vào đó rồi lấy bùn trát khắp người voi từ vòi đến tận đuôi. Lần này, đàn voi tiến đến gần hơn và thậm chí còn đe dọa tên “voi mới tò te”.

Nhưng sau đó, có một điều gì khiến cho lũ voi sinh nghi và chúng tháo chạy. Có lẽ chúng hiểu rằng không đời nào một con voi thật lại cưỡi lên con người cả. Cùng lắm chỉ có người cưỡi voi mà thôi.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, Vnexpress
  • 705