Tìm hiểu hiện tượng "giả chết" trong thế giới động vật

  •   4,52
  • 3.329

Giả chết, hay thanatosis theo thuật ngữ khoa học, xảy ra phổ biến trong thế giới động vật, từ chim, bò sát, lưỡng cư, động vật có vú, côn trùng đến cá. Hành vi này thường được sử dụng như một chiến lược sinh tồn, bắt nguồn từ việc hầu hết những kẻ săn mồi chỉ thích ăn thịt tươi sống do sợ dịch bệnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, động vật giả chết không phải để trốn tránh kẻ thù mà nhằm mục đích kiếm ăn hoặc giao phối.

Nhắc đến những "chuyên gia" giả chết trong tự nhiên, nổi tiếng nhất có lẽ thú túi đuôi nắm Bắc Mỹ (Didelphis virginiana). Khi cảm thấy bị đe dọa, chúng nằm bất động, há miệng, thè lưỡi, đại tiện và tiết ra một loại dịch lỏng có mùi hôi để đánh lừa động vật săn mồi rằng thịt của chúng đã "quá hạn sử dụng". Một số loài động vật có vú khác như thỏ và chuột lang Guinea cũng thực hiện hành vi giả chết như một chiến lược sinh tồn.

Bạn có thể thấy điển hình ở loài chồn Oposum, khi bị tấn công bởi một kẻ săn mồi tàn bạo và không có cách nào trồn thoát, chúng sẽ cuộn mình bất động, lè lưỡi, chảy dãi và xì ra dung dịch cực thối từ hậu môn.

Những thứ kinh tởm này khiến kẻ tấn công nới lỏng thế kìm kẹp và mất hứng rời đi vì chả ai muốn xơi một bữa ăn không ngon lành gì. 10 phút sau, chồn Oposum trở lại trạng thái cũ và vui vẻ ung dung như chưa có chuyện gì xảy ra.

Chồn Oposum giả chết

Từ vượn cáo, thạch sùng, kiến đến các loài lưỡng cư, gà, thậm chí cá mập,... hàng trăm loài vật dùng cách giả chết để thoát thân. Hiện tượng giả chết này được các nhà khoa học gọi là hiện tượng chết cứng - Tonic Immobility (TI). TI có khá nhiều biến thể tùy vào mỗi loài động vật và các tình huống khác nhau. Nhưng tạo ra mùi khó chịu và dáng nằm kì quặc là phương pháp phổ biến thường được áp dụng nhất.

Từ vượn cáo, thạch sùng, kiến đến các loài lưỡng cư, gà, thậm chí cá mập.. đều từng giả chết để thoát thân

Nhiều cơ chế sinh học ẩn dưới những màn diễn này. Bắt nguồn từ hệ thần kinh đối giao cảm kiểm soát vòng tuần hoàn nghỉ ngơi và tiêu hóa. Ở chồn Oposum, hệ thần kinh đối giao cảm khiến nhịp tim của chúng giảm còn gần một nửa, nhịp thở còn một phần ba và thân nhiệt giảm hơn nửa độ C trong một tiếng đồng hồ.

Ở chồn Oposum, hệ thần kinh đối giao cảm khiến nhịp tim của chúng giảm còn gần một nửa

Nhưng muốn kiểm soát hiện tượng đó không hề đơn giản. Những “diễn viên” này luôn phải cảnh giác xung quanh xem khi nào an toàn để tỉnh dậy. Ví dụ, gà có thể cảm nhận sự hiện diện của kẻ thù xung quanh, các nhà khoa học đã thử nghiệm bằng cách dùng diều hâu nhồi bông và nhận thấy, những chú gà trong thí nghiệm tỉnh dậy nhanh hơn khi diều hâu đảo sang chỗ khác.

Những chú gà trong thí nghiệm tỉnh dậy nhanh hơn khi diều hâu đảo sang chỗ khác.

Ngoài việc phòng thân, một số loài áp dụng TI với mục đích khác. Khi cá Ali thấy đói, chúng nằm ỳ dưới đáy hồ, những vết đốm trên thân khiến chúng giống như con cá chết bị thối rữa, nếu một con cá phàm ăn nào đó tiến lại gần, tên lừa đảo sẽ chồm dậy và bắt lấy chúng.

Ở bò sát, hành vi giả chết được quan sát thấy phổ biến nhất ở rắn, có thể kể đến như rắn cỏ (Natrix helvetica), rắn kẻ ô (Natrix tessellata), rắn chàm Texas (Drymarchon melanurus erebennus) và rắn mũi hếch (Heterodon platirhinos). Khi gặp nguy hiểm, chúng nằm bất động ở tư thế ngửa bụng một phần hoặc hoàn toàn, miệng há rộng và thở chậm lại. Một số loài thậm chí còn nôn ra máu hoặc tiết mùi hôi giống như thịt thối rữa.

Cóc tía bụng vàng (Bombina variegata) là bậc thầy giả chết đại diện cho nhóm lưỡng cư. Để tránh bị ăn thịt, chúng nắm ngửa và co 4 chân lên trời, cố tình để lộ những đốm màu vàng tươi ở bụng và bàn chân, khiến kẻ thù phải e sợ vì màu sắc sặc sỡ ở lưỡng cư thường là dấu hiệu cho thấy chúng có độc tố.

Cóc tía bụng vàng
Cóc tía khoe bụng sặc sỡ để đánh lừa kẻ săn mồi rằng chúng có độc. (Ảnh: Denis Ćoso).

Ở côn trùng, nhiều loài chỉ giả chết sau khi động vật săn mồi tóm được chúng, một hiện tượng được gọi là "bất động khi tiếp xúc". Ví dụ, ấu trùng kiến sư tử (Euroleon nostras) khi bị chim sẻ tấn công có thể giữ cơ thể bất động suốt một giờ đồng hồ. "Đó là cơ hội cuối cùng của cuộc đời chúng vì chim sẻ có thể sẽ thả con mồi ra nếu nghĩ rằng nó đã chết", nhà sinh vật học Ana Sendova-Franks từ Đại học Bristol của Anh viết trong một nghiên cứu.

Một ví dụ khác về bất động khi tiếp xúc ở côn trùng là châu chấu lùn Nhật Bản. Khi bị ếch tấn công, chúng giả chết bằng cách duỗi thẳng các chân ra nhiều hướng, khiến kẻ săn mồi không thể nuốt được được chúng. Bọ hung cũng được ghi nhận là có thể giả chết trong hơn 20 phút.

Trong khi hầu hết động vật giả chết để tránh bị ăn thịt, một số loài lại sử dụng phương pháp này để thu hút con mồi. Những đại diện tiêu biểu là cá hoàng đế Trung Mỹ và cá mú lược Brazil. Chúng giả vờ chết chìm dưới đáy hồ để dụ những loài cá nhỏ ăn xác thối đến, sau đó bất ngờ lao tới đớp gọn con mồi.

Nhện Pisauridae và chuồn chuồn ngô Aeshna là hai ví dụ hiếm hoi trong thế giới động vật sử dụng chiến lược giả chết cho mục đích giao phối hoặc tránh giao phối.

Do nhện Pisauridae cái có thể ăn thịt con đực sau khi kết thúc cuộc yêu, nhện đực thường tặng cho bạn tình một bọc thức ăn, chẳng hạn như một vài con ruồi được "gói" trong tơ nhện, để giảm nguy cơ này. Điều đó giúp nó có cơ hội thoát thân sau khi sau phối. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nhện đực không bỏ chạy mà giả chết. Khi con cái ăn xong bọc thức ăn và giảm bớt cơn đói, nhện đực sẽ bật dậy để thử giao phối thêm lần nữa. Nỗ lực này đôi khi thành công, đôi khi bị con cái từ chối và tấn công lại.

Trái ngược hoàn toàn, chuồn chuồn ngô Aeshna sử dụng chiến lược giả chết khi chúng không muốn giao phối. Để tránh những con đực hung hãn tiếp cận khi bay, chuồn chuồn cái sẽ ngừng vỗ cánh và rơi xuống đất.

Cá giả chết

Con người cũng có thể trải qua TI khi gặp tình huống đáng sợ, nó giải thích vì sao một số nạn nhân không bỏ chạy hay chiến đầu mà chỉ cứng đơ người trước những mối nguy hiểm. Việc nghiên cứu TI không chỉ giúp chúng ta hiểu thêm về các cơ thế tự vệ trong tự nhiên mà còn giúp hiểu rõ hơn về bản thân chúng ta.

Cập nhật: 07/05/2021 Theo Tinh Tế/VNE
  • 4,52
  • 3.329