Chuồn chuồn cái sẽ giả chết để tránh bị con đực gạ tình

  •  
  • 1.323

Các nhà khoa học phát hiện chuồn chuồn cái thường giả chết để tránh bị con đực gạ tình hay ép buộc giao phối.

Chúng ta biết rằng những con chuồn chuồn có thể làm một số điều đáng kinh ngạc trong quá trình sinh tồn, ví dụ như bay xa hay dự đoán các động tác của con mồi để giết chết chúng một cách nhanh nhất. Gần đây, một nhà động vật học tiếp tục phát hiện một hành vi đặc biệt của con cái trong loài chuồn chuồn Aeshna.

Một nghiên cứu vừa được công bố vào ngày 24 tháng 4 cho thấy những con chuồn chuồn cái thường có khuynh hướng giả tạo kịch bản một vụ tai nạn để ngăn ngừa những con đực ve vãn, gạ tình.

Rassim Khelifa, một nhà động vật học thuộc Đại học Zurich đã cất công đến dãy núi Alps của Thụy Sỹ để tiến hành thí nghiệm xem nhiệt độ môi trường ảnh hưởng như thế nào đến ấu trùng. Khi tiến hành thử nghiệm, Khelifa đã chứng kiến một con chuồn chuồn đang bị rượt đuổi bởi một con khác trên một cái ao. Con bị đuổi đột ngột lao xuống đất và nằm bất động. Con còn lại lơ lửng bên trên một lúc trước khi bay đi.

Chuồn chuồn cái thường có khuynh hướng giả tạo kịch bản một vụ tai nạn để ngăn ngừa những con đực ve vãn, gạ tình.
Chuồn chuồn cái thường có khuynh hướng giả tạo kịch bản một vụ tai nạn để ngăn ngừa những con đực ve vãn, gạ tình.

Khelifa kể lại: "Tôi nghĩ con chuồn chuồn cái có thể chết hoặc bị thương nặng sau khi hạ cánh như vậy. Tuy nhiên, nó làm tôi ngạc nhiên khi nhanh chóng bay đi sau đó".

Ngạc nhiên với những gì mà mình nhìn thấy, Khelifa tự hỏi liệu đây có phải là kịch bản được con cái dựng nên để lãng tránh việc giao phối hay không? Để làm rõ điều này, ông đã để ý quan sát những con chuồn chuồn trong nhiều tháng tiếp theo.

Nhiều tháng quan sát những con chuồn chuồn đã làm cho Khelifa nhận ra rằng kịch bản lạ thường mà ông chứng kiến thực sự phổ biến trong số những con cái của các loài A. juncea. Để hiểu tại sao có hiện tượng này, nhà động vật học đã xem xét đến hành vi sinh sản của loài.

Ông phát hiện ra những con đực lang thang chỉ chờ đợi để ép buộc những con cái giao phối rồi sau đó rời đi, để lại những con cái bị tổn thương khi chúng đẻ trứng. Điều này không giống với những loài chuồn chuồn khác khi con đực có thể ở lại để bảo vệ con cái khi chúng sinh ra.

Ông thấy rằng có nhiều con đực bay tuần tra trong khu vực để chờ đợi một người bạn đời và điều này làm tăng nguy cơ có nhiều con cái bị chết. Tuy nhiên, không phải con cái nào cũng thành công trong việc giả chết lừa con đực. Trong tổng số 27 con cái nằm bất động, có 21 con (77,7%) thành công trong việc đánh lừa con đực có ý đồ cưỡng ép.

Cập nhật: 03/05/2017 Theo Trí Thức Trẻ
  • 1.323