Top 4 nguyên nhân khiến rốn có mùi hôi và cách vệ sinh rốn đúng cách

  •  
  • 96

Rốn là bộ phận trên cơ thể thường bị "lãng quên" và không được vệ sinh thường xuyên, trong khi rốn là khu vực có chứa hơn 60 loại vi khuẩn. Do đó, rốn thường có mùi hôi khó chịu hơn các bộ phận khác. Tuy nhiên, mùi hôi của rốn cũng có thể cảnh báo một số tình trạng sức khoẻ.

1. Nguyên nhân khiến rốn có mùi hôi

Rốn có mùi hôi có thể do một trong những nguyên nhân sau:

1.1. Vệ sinh không đúng cách

Nguyên nhân phổ biến khiến rốn có mùi hôi đó là vệ sinh không đúng cách. Khi tắm chắc chắn nhiều người thường quên vệ sinh vùng rốn. Việc này khiến cho bụi bẩn, mồ hôi, vi khuẩn và tế bào da chết tích tụ, từ đó tạo ra mùi hôi khó chịu. Đặc biệt, rốn của bạn càng sâu thì càng có nhiều bụi bẩn và vi trùng có thể tích tụ bên trong và gây ra những mùi hôi nghiêm trọng hơn.

Đối với tình trạng rốn có mùi hôi do vấn đề vệ sinh thì việc cải thiện rất đơn giản. Bạn chỉ cần vệ sinh rốn thường xuyên, đúng cách thì sẽ làm giảm mùi hôi một cách nhanh chóng.

Hầu hết rốn có mùi hôi đều do vệ sinh không đúng cách.
Hầu hết rốn có mùi hôi đều do vệ sinh không đúng cách. (Ảnh: Internet).

1.2. Nhiễm trùng

Rốn có mùi hôi cũng có thể do nhiễm trùng do sự phát triển quá mức của vi khuẩn hoặc nấm men ở rốn. Tình trạng này thường là nhiễm trùng tụ cầu khuẩn hoặc nấm do Candida gây ra. Loại nấm men này dễ dàng phát triển trong môi trường ấm áp, ẩm ướt và rốn là nơi tuyệt vời để Candida phát triển.

Những người bị suy giảm miễn dịch do bệnh, chẳng hạn như tiểu đường hay rốn lõm sâu có nhiều khả năng bị nhiễm trùng hơn. Nếu bạn xỏ khuyên rốn hoặc phẫu thuật nội soi qua rốn, bạn cũng có nguy cơ bị nhiễm trùng cao.

Các triệu chứng khi da rốn bị nhiễm trùng như đỏ, viêm và nóng khi chạm vào. Bạn cũng có thể thấy xuất hiện một chút mủ có mùi, chảy nước, đóng vảy hoặc bong tróc.

Nếu nhiễm trùng do vi khuẩn, hãy giữ cho rốn của bạn luôn trong tình trạng khô ráo, vệ sinh rốn bằng xà phòng kháng khuẩn hoặc rửa bằng benzoyl peroxide. Trong trường hợp nhiễm trùng do nấm men, hãy sử dụng loại bột chống nấm không kê đơn để điều trị và ngăn ngừa nhiễm trùng cũng như giữ cho vùng da đó khô ráo. Nếu các biện pháp tại nhà không hữu hiệu, bạn nên đến bệnh viện thăm khám và điều trị.

 Rốn bị nhiễm trùng có mùi hôi kèm theo đỏ, viêm và nóng khi chạm vào.
Rốn bị nhiễm trùng có mùi hôi kèm theo đỏ, viêm và nóng khi chạm vào. (Ảnh: Internet)

1.3. U nang

Một nguyên nhân tiềm ẩn khác khiến rốn của bạn có mùi hôi đó có thể do u nang. U nang xuất hiện ở rốn có thể là u nang biểu bì, u nang bã nhờn, trong đó u nang biểu bì thường gặp hơn.

U nang biểu bì hình thành khi lớp tế bào da trên cùng không bong ra như bình thường mà thay vào đó di chuyển sâu hơn vào da và nhân lên, gây ra vết sưng tấy. U nang bã nhờn bắt nguồn từ tuyến bã nhờn, những tuyến này thường sản xuất bã nhờn, hỗn hợp lipid dạng sáp và dầu, có tác dụng bôi trơn và bảo vệ da.

Nếu một trong các u nang phát triển lớn và vỡ ra, chất dịch chảy ra từ u nang đó sẽ có màu vàng và mùi hôi.

U nang thường không gây ra vấn đề gì lớn và không cần điều trị, nhưng u nang có thể bị nhiễm trùng. Trong trường hợp u nang bị viêm hoặc nhiễm trùng, bạn cần đến bệnh viện kiểm tra.

1.4. Vấn đề về da

Một số tình trạng da nhất định có thể dẫn đến viêm, tích tụ thêm vi khuẩn ở rốn và gây mùi. Chẳng hạn như vảy nến, đây là một tình trạng tự miễn dịch có thể khiến vùng da xung quanh đỏ, có vảy, bong tróc và có thể gây mùi hôi nếu phát triển bên trong rốn.

Ngoài vảy nến, một số tình trạng khác cũng có thể ảnh hưởng đến da vùng rốn như viêm da cơ địa, ... Tuy nhiên, những tình trạng da này sẽ ít ảnh hưởng đến rốn hơn, chúng thường gây tổn thương da ở các vùng như tay, chân, người,...

2. Vệ sinh rốn đúng cách

Thật may mắn là rốn có mùi hôi hầu hết do vệ sinh kém. Để ngăn ngừa mùi hôi ở rốn, mọi người nên vệ sinh rốn thường xuyên theo hướng dẫn dưới đây:

  • Đổ một ít xà phòng kháng khuẩn vào khăn lau khi bạn đang tắm.
  • Dùng ngón trỏ bên dưới khăn mặt, nhẹ nhàng lau bên trong rốn.
  • Sau khi tắm xong, hãy vỗ nhẹ cho rốn khô.

Sau đó, đừng bôi quá nhiều kem dưỡng da vào trong hoặc xung quanh rốn. Chúng có thể tạo điều kiện cho nấm và vi khuẩn có thể phát triển dễ dàng hơn.

Nếu bạn xỏ lỗ rốn, hãy giữ vùng rốn và vùng xỏ lỗ sạch sẽ và khô ráo. Làm ướt một chiếc khăn bằng hỗn hợp xà phòng kháng khuẩn và nước rồi nhẹ nhàng rửa xung quanh lỗ xỏ khuyên.

Không nên dùng tay ngoáy rốn để làm sạch vì có thể làm tổn thương da bên trong vùng rốn.
Không nên dùng tay ngoáy rốn để làm sạch vì có thể làm tổn thương da bên trong vùng rốn. (Ảnh: Internet)

3. Một số câu hỏi thường gặp

3.1. Rốn có tác dụng gì?

Trong thời kỳ mang thai, rốn có tác dụng cung cấp oxy và dinh dưỡng cho em bé. Ngoài ra, vùng rốn còn liên quan đến nhiều cơ quan quan trọng như thận, dạ dày, ruột già, ruột non, tuyến tuỵ, túi mật và gan nên khi nên khi giữ ấm cho rốn có thể hỗ trợ làm giảm các triệu chứng liên quan đến tiêu chảy, đau dạ dày, tiêu hóa kém,...

3.2. Rốn có cục đen do đâu?

Cục đen ở rốn hầu hết do vệ sinh vùng không rốn không đúng cách, khiến cho bụi bẩn, tế bào da chết tích tụ lâu ngày mà hình thành nên những cục đen, có mùi hôi.

Trong một vài trường hợp các cục đen cũng có thể do nhiễm trùng, tổn thương. Đây có thể là cục máu đông do bạn gãi hoặc dùng tay ngoáy rốn. Tuy nhiên, việc dùng tay ngoáy rốn có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào cơ thể thông qua mạch máu và gây nên một số bệnh. Vì vậy, mọi người nên vệ sinh rốn theo cách đã được hướng dẫn ở trên.

Có thể nói, vùng rốn chứa rất nhiều vi khuẩn, bụi bẩn nên thường có mùi hôi. Bằng cách vệ sinh rốn thường xuyên, bạn có thể loại bỏ những mùi hôi khó chịu. Nhưng nếu bạn tăng cường vệ sinh mà rốn vẫn có mùi hôi hoặc tệ hơn là bạn bắt đầu gặp các triệu chứng khác như mẩn đỏ, nóng rát, sưng tấy hoặc tiết dịch thì tốt nhất bạn nên đến bệnh viện để tìm rõ nguyên nhân.

Cập nhật: 29/11/2023 PNVN
  • 96