10 sản phẩm công nghệ thất bại trong thập niên qua

  •  
  • 2.803

Thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 đánh dấu sự xuất hiện của nhiều sản phẩm số nổi trội nhưng cũng chứng kiến những thất bại đáng quên của các hãng công nghệ.

Dưới đây là 10 sản phẩm công nghệ thất bại:

1. Máy chơi game Sega DreamCast

Cách đây 10 năm, SEGA phát hành máy chơi game chuyên dụng Dreamcast với mục đích đánh bại PlayStation và Nintendo 64, sau thất bại cay đắng với Sega Saturn.

Tuy được xây dựng trên nhiều ý tưởng vượt trước thời đại nhưng chính sản phẩm này buộc ông lớn SEGA rút chân khỏi "cuộc đấu tam mã console" vì nhiều nguyên nhân.


Với sự thất bại của DreamCast, SEGA đã bị loại khỏi cuộc đua console

Dreamcast sử dụng một định dạng độc quyền có tên GD-ROM hay còn gọi là GigaDisc để tránh bị làm giả. Tuy nhiên, ngay lập tức định dạng này đã bị "hack" tràn lan. Những tay làm giả không chỉ sao chép được game mà còn có thể phát tán các đĩa game này trước khi bản chính thức được phát hành.

Ngoài ra, tháng 3/1999, Sony giới thiệu con át chủ bài mang tên PlayStation 2 và phát hành máy ở Nhật Bản vào tháng 3/2000 và Mĩ vào 26/10/2000. Ngay lập tức, game thủ tại Nhật và Mỹ bắt đầu lờ đi sự có mặt của Dreamcast mà thay vào đó họ khấp khởi mong đợi ngày ra mắt của PS2.

Tình hình càng trở nên bi đát hơn đối với Dreamcast khi Xbox và GameCube ra đời, đánh dấu chấm hết cho cho hệ máy này. Ngày 31/1/2001, Sega tuyên bố ngừng sản xuất Dreamcast vào tháng 3 năm đó.

2. Sony Aibo

AIBO (Artificial Intelligence roBOt) là mẫu robot có hình dạng giống một chú chó được Sony cho ra đời ngày 11/5/1999. Được trang bị máy tính tích hợp, hệ thống quan sát và phân tích tiếng nói, AIBO có thể hiểu các lệnh bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.

Ngoài ra, người sử dụng có thể dùng các bộ công cụ lập trình để lập trình cho trí thông minh của AIBO.


Những khó khăn trong kinh doanh khiến Sony phải ngừng dự án AIBO nổi tiếng một thời

Tuy nhiên, do giá thành cao và những khó khăn về kinh doanh nên ngày 26/1/2006 Sony đã tuyên bố ngừng sản xuất AIBO. Hiện tại nhiều phòng thí nghiệm và các trường đại học vẫn dùng AIBO để nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo. Sony đã cung cấp cho họ các công cụ lập trình miễn phí.

3. Apple Power Mac G4 cube

Power Mac G4 Cube là một dòng máy tính của Apple ra đời năm 2001 nhưng lại không thu được thành công về mặt thương mại mặc dù về mặt ý tưởng và thiết kế nó đã nhận được rất nhiều lời ngợi khen.

Power Mac G4 Cube được thiết kế dưới dạng một hình lập phương với mỗi cạnh dài 20 cm và sử dụng vi xử lí PowerPC G4 450 hoặc 500 MHz, mặt ngoài được bọc kính trong suốt và khe đĩa quang nằm thẳng đứng.

Khác với dòng iMac, Power Mac G4 Cube yêu cầu người dùng phải trang bị thêm một màn hình ngoài kết nối qua cổng ADC hay VGA.

 

Power Mac G4 Cube có thiết kế tuyệt vời nhưng thất bại do giá quá cao mà cấu hình chỉ vừa phải.

Sở dĩ Power Macthất bại trên thị trường là vì Apple đã tính toán sai lầm khi đưa ra mức giá quá cao (khoảng 2.000 EUR) trong khi tính năng không tương xứng. Mùa thu năm 2001, Apple chính thức ngừng loạt sản phẩm này.

4. Segway

Phương tiện di chuyển cá nhân hai bánh (two-wheeled scooter) Segway chính thức ra mắt năm 2002. Khi sản phẩm này ra mắt, người đứng đầu công ty Segway nói “đây sẽ là ô tô khiến cho các loại xe hơi trở thành cổ lỗ”.

Khi đó, nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng John Doerr nói rằng doanh thu của Segway sẽ đạt 1 tỷ USD và trở thành công ty phát triển nhanh nhất trong lịch sử. Công ty này đã đầu tư 100 triệu USD để phát triển sản phẩm.

Tuy nhiên, Segway đã đề ra chiến lược giá cả sai lầm. Mẫu Segway phổ thông có giá hơn 3.000USD còn mẫu cao cấp có giá tới 7.000 USD, quá cao để thu hút khách hàng.


SegWay - tuy "hay" nhưng giá cao

Một vấn đề nữa mà công ty này đã không nhìn trước được đó là một số quốc gia yêu cầu người lái Segway phải có giấy phép, thậm chí có những quốc gia cấm phương tiện này lưu thông trên đường. Vì vậy, từ năm 2001 đến cuối năm 2007, công ty này chỉ bán được vẻn vẹn 30.000 chiếc Segway.

Tuy thất bại, nhưng Segway đã đi vào lịch sử như phương tiện di chuyển cá nhân đầu tiên dự đoán cho tương lai. Sau Segway, một loạt mẫu xe di chuyển cá nhân với thiết kế phong phú đã ra đời. Tuy nhiên, hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để các phương tiện này phổ biến trên thị trường.

5. Nokia N-gage

Được phát hành đầu tiên tháng 10/2003, Nokia N-Gage khi ấy thực sự là một "quả bong bóng" được giới truyền thông bơm căng hết mực. Nokia đã bắn phá tất cả kênh truyền hình, web và tạp chí bằng một mẫu quảng cáo vô cùng ấn tượng của các skateboarder.


Phiên bản đầu tiên của N-Gage với kích cỡ khá to so với một chiếc điện thoại

Thế nhưng lý do thực sự khiến N-Gage "chìm xuồng" như tàu Titanic nằm ở chính bản thân sản phẩm: cực kỳ đáng thất vọng. Trong phiên bản đầu tiên, cứ mỗi lần muốn đổi game khác là người chơi lại phải tháo pin ra. Còn nếu như muốn gọi điện (tức là sử dụng chức năng nguyên thủy của máy), họ sẽ phải dựng ngược nó lên.

Rút kinh nghiệm N-Gage, Nokia tung tiếp ra N-Gage QD vào năm 2004, khắc phục các thiếu sót về pin và thiết kế side-talking, thế nhưng doanh số tiêu thụ vẫn rất èo uột.

Trong vòng ba năm, hãng chỉ bán được vẻn vẹn hai triệu máy N-Gage (cả phiên bản đầu tiên lẫn QD), so với dự kiến ban đầu là 6 triệu. Hiện Nokia chỉ còn kế hoạch sản xuất với số lượng cực kỳ hạn chế để phục vụ hai thị trường Trung Quốc và Ấn Độ.

6. Motorola ROKR E1

Trước iPhone, nếu muốn sở hữu một chú dế do Apple tham gia thiết kế thì sự lựa chọn duy nhất cho người dùng là ROKR E1.

Trình làng tháng 9/2005, ROKR E1 là "đứa con" của cuộc "hôn nhân" giữa Apple và Motorola. Đây cũng là chú dế đầu tiên hoạt động như một chiếc máy nghe nhạc với phần mềm iTunes.

Tuy nhiên iTunes đã thể hiện không tốt trên sản phẩm của Motorola và Apple đã rút lui để tránh iTunes phải mang tiếng xấu.


ROKR E1, "đứa con xấu số" của Apple và Motorola

Nguyên nhân dẫn đến thất bại của ROKR E1 là do trước khi ra đời, người dùng quá kỳ vọng một sự kết hợp giữa hai gã khổng lồ. Chính vì thế, khi ROKR E1 "lộ diện", với thiết kế "siêu dày", sử dụng chất liệu nhựa rẻ tiền, E1 đã khiến người tiêu dùng thất vọng nặng nề.

7. Đĩa UMD

Đĩa quang UMD (Universal Media Disc) là định dạng đĩa được Sony sản xuất chỉ để dành riêng cho máy game cầm tay PSP. Với dung lượng 1,8 GB, sản phẩm có thể chứa đựng được nhạc, phim, game và có khả năng chống sao chép rất cao.

Ngay từ đầu, chuẩn đĩa quang này đã bị phản đối vì có thời gian tải game rất chậm (đặc biệt là so với hệ thống lưu trữ của đối thủ Nintendo). Giá đĩa phim đắt tiền cũng là một điểm trừ (8-10 USD) của UMD.


Đa số người dùng cho rằng đĩa UMD quá đắt và tốc độ đọc dữ liệu rất chậm

Đầu tháng 3/2009, tạp chí Hollywood Reporter đã chạy một dòng tít rất lớn về việc hai hãng phim khổng lồ Universal Studios và Paramount Pictures "chấm dứt hoàn toàn" phát hành phim trên UMD.

Trong khi đó, nhiều công ty giải trí điện ảnh khác cũng đã cắt giảm rất nhiều số lượng sản phẩm mà họ đã lên kế hoạch phát triển từ năm ngoái. Ngay cả thiết bị chơi game cầm tay PSP-Go cũng không sử dụng đĩa UMD.

Cùng lúc, hai hệ thống siêu thị có mạng lưới rộng rãi là Wal-Mart và Best Buy đã thu hồi tất cả các đĩa UMD đang bày bán để trả về nơi sản xuất. "Chúng tôi sẽ không nhập bán phim của PSP nữa", quan chức của Wal-Mart chính thức tuyên bố.

8. Apple TV

Apple TV là thiết bị giải trí đa phương tiện có kích thước rất nhỏ gọn cho phép khách hàng xem được các chương trình ti vi cũng như có thể đồng bộ với máy tính để nghe nhạc iTunes, xem hình ảnh và các file video thông qua kết nối không dây Wifi.

Apple TV được tích hợp ổ đĩa cứng, cổ kết nối HDMI, USB 2.0 và kết nối mạng LAN.


Apple TV không hấp dẫn người dùng bằng "người anh em" Apple Mini

Thế nhưng, vấn đề ở đây là không có nhiều nội dung để TV của Apple có cơ hội làm việc thường xuyên. Chỉ có 500 bộ phim của Disney, của Lion's Gate, Paramount và MGM đã sẵn sàng tương thích với Apple TV.

Ngoài ra, người tiêu dùng thường lựa chọn Apple Mini vì nó vừa là 1 máy tính, lại có đầy đủ tính năng cũng như thiết kế của Apple TV. Mặc dù có thể còn quá sớm để nói Apple TV là một sản phẩm thất bại nhưng những gì nó thể hiện trên thị trường tiêu dùng quả là mờ nhạt.

9. Palm Foleo

Nhắc đến Palm Foleo, người ta lại băn khoăn rằng liệu có phải sản phẩm này đã thất bại vì nó “đi trước thời đại”? Thực ra, Palm Foleo khá tương đồng với các sản phẩm netbook hiện nay. Foleo chạy trên nền Linux, có thể kết nối mạng Internet thông qua Wi-fi hoặc kết nối Bluetooth. Foleo sở hữu màn hình 10 inch và cân nặng 1,1 kg.


Palm Foleo suýt chút nữa đã trở thành chiếc Netbook đầu tiên

Tuy nhiên 4 tháng sau ngày ra mắt vào tháng 5 năm 2007, Palm tuyên bố ngừng dự án Foleo. Nguyên nhân là do nền tảng sử dụng để phát triển thiết bị này quá khác biệt với các sản phẩm khác mà Palm đã thiết kế.

Nếu đủ khả năng, có lẽ Foleo đã trở thành chiếc netbook đầu tiên. Hàng loạt những lời nhạo báng về sản phẩm này đã được đưa ra, có người còn gọi đùa nó là "Palm Fooleo" (Sự ngu ngốc của Palm).

10. HD DVD

Cuộc chiến dài 8 năm giữa hai định dạng đĩa DVD siêu nét HD DVD của Toshiba và Blu-Ray của Sony đã kết thúc với sự thất bại của Toshiba.

HD DVD và Blu-Ray đều có những điểm mạnh riêng. Trong khi Blu-Ray lưu trữ được nhiều hơn (25GB so với 15GB của HD DVD) thì đầu đĩa HD DVD lại rẻ hơn 30-40% so với đầu đĩa Blu-Ray đồng thời lại được trang bị các kết nối Internet và hiển thị đa hình ảnh (multi-frame).


HD DVD không thua ở công nghệ mà thua ở thị trường phim hỗ trợ

Cuối năm 2007, Toshiba tưởng như đã chiến thắng khi Microsoft, Paramount Pictures và Dreamworks Animation đều tuyên bố ủng hộ HD DVD còn Warner Bross, hãng phát hành DVD lớn nhất Hollywood thì ủng hộ cả hai. Thời điểm đó, giá một số đầu đĩa HD DVD thậm chí xuống đến mức 100USD.

Tuy nhiên, vào ngày 4/1/2008, Warner Bross công bố một quyết định làm toàn bộ phe HD DVD choáng váng, hãng sẽ chỉ hỗ trợ duy nhất định dạng Blu-Ray.

Với việc Warner Bros dứt áo ra đi, hội thảo nhằm quảng bá cho định dạng HD DVD của Liên minh HD DVD, vốn dự định tổ chức trong dịp CES 2008, đã bị hủy bỏ ngay lập tức.

Sau quyết định của Warner Bros, Netflix, Best Buy và Wal-mart cũng lần lượt chọn Blu-Ray. HD DVD hoàn toàn thất bại mặc dù về mặt kỹ thuật và tính kinh tế, nó đều nhỉnh hơn Blu-Ray.

Theo Báo Đất Việt
  • 2.803