Các bằng chứng khoa học trước đây cho thấy tập tục chôn cất và hỏa táng người chết xuất hiện khoảng 10.000 năm trước ở Trung Đông đã hoàn toàn bị phá vỡ bởi ngôi mộ cổ đặc biệt vừa được khai quật ở Jordan.
Trong bài công bố trên Journal of Anthropological Archaeology, nhóm khảo cổ dẫn đầu bởi tiến sĩ Lisa Maher từ Đại học California ở Berkeley và tiến sĩ Danielle Maccdonald từ Đại học Tulsa ở Oklahoma (Mỹ) khẳng định rằng người đàn bà bí ẩn đã được hỏa táng không trọn vẹn trong một nghi lễ huyền bí nhằm giúp bà giữ được sự kết nối với thế giới người sống ngay khi đã an nghỉ.
Cận cảnh ngôi mộ cổ huyền bí của người đàn bà 20.000 tuổi - (Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp).
Ngôi mộ thuộc về những người săn bắt hái lượm thời kỳ đồ đá, được tạo nên khi họ cắm trại tại một địa điểm săn bắn và giao thương cổ xưa, thuộc địa phận Jordan ngày nay.
Theo Science News, người đàn bà được đặt nằm nghiêng, đầu gối gập lại, nằm gọn bên trong một túp lều săn bắn được dựng bằng gỗ. Cả túp lều và thi hài được thiêu cháy cùng lúc, các bức tường gỗ sụp vào phía bên trong, tạo nên ngôi mộ cổ kỳ lạ nói trên.
Các nhà khảo cổ tại hiện trường khai quật - (Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp).
Theo các tác giả, người xưa đã làm như vậy - an táng người chết trong một cấu trúc nhà ở của người sống - với mục đích chính yếu là giúp người đã khuất luôn được ở gần người sống.
Chính phần còn lại của túp lều đã giúp xác định niên đại: ít nhất 19.400 năm. Ba túp lều hình dạng tương tự nhưng không chứa hài cốt cũng được tìm thấy quanh khu vực đó. Có vẻ nghi lễ này là một hình thức đặc biệt dùng để tôn vinh người đàn bà, có vẻ có vị thế quan trọng trong xã hội.
Acient Origins cho biết địa điểm khảo cổ nói trên - được đặt tên là "Kharaneh IV" đã được xác định từ năm 2015, với phát hiện đầu tiên là những phần xương linh dương cổ đại, cho thấy vùng đất đã được sử dụng như một bãi săn và chế biến động vật lâu đời.