13 điều đáng sợ nhất trong thế giới CNTT

  •  
  • 2.989

Sẽ rất đáng tự hào khi bạn được công ty giao cho "ấn soái" để giải quyết mọi vấn đề có liên quan đến công nghệ thông tin (CNTT). Tuy nhiên, áp lực mà các giám đốc CNTT (CIO) sẽ phải đối mặt mới là điều đáng bàn. Chắc chắn, mỗi nhà quản trị đều có những nỗi niềm riêng. Còn trong lăng kính nghề nghiệp của Michael Vizard và qua cây cọ hài hước Brian Moore, có đến 13 nỗi lo lớn trong lĩnh vực CNTT, mà nếu đem đối sánh trong bối cảnh của Việt Nam, sao thấy đúng quá !!!

13. Điện thoại thông minh BlackBerry

Nhờ vào kiệt tác công nghệ này, mà dù ngày hay đêm, khách hàng của bạn vẫn có thể “réo” bạn qua e-mail và yêu cầu bạn giúp họ tháo gỡ những vướng mắc có liên quan đến CNTT. Vì vậy, hãy cẩn trọng khi trương khẩu hiệu “24/7” hay “always-on” trước mặt “Thượng đế!”

12. Phát triển ứng dụng

Không vào hang cọp sao bắt được cọp!” Muốn chinh phục khách hàng khó tính, thì bạn buộc phải gặp khách hàng. Hầu hết những người mà bạn gặp đều thích giao tiếp với... máy móc hơn là trò chuyện với... con

người ! Nhưng rất tiếc họ lại không phải là máy móc ! Nếu không hiểu hết ý đồ của họ, mà bạn vẫn cứ phát triển ứng dụng theo kiểu “thầy bói”, thì sau này bạn sẽ mất thời gian nhiều hơn so với những gì mà bạn đã nghĩ ! Đừng vội bắt tay vào làm những thứ mà bạn chưa thật sự thông suốt. Khách hàng có thể là “cọp”, nhưng đó cũng là “mỏ vàng” của bạn.

11. Chơi gôn

Vất vả lắm bạn mới xếp đặt thành công một “bàn cờ thế” trước một khách hàng “khó nuốt”. Vậy mà chỉ vì một phút “cao hứng” trong lúc chơi gôn với người này, sếp của bạn đã bị “gài” và vô tình hứa hẹn những điều có thể gây bất lợi cho bản hợp đồng tưởng như bạn đã cầm chắc chiến thắng!

10. Săn đầu người

Thành công của chiến lược nhân sự thường được thể hiện ở khả năng “chọn mặt gởi vàng” và chính sách đãi ngộ thỏa đáng. Vì vậy, khi bạn bị mất những vị trí chủ chốt hoặc phải tăng thêm 20 % lương để giữ chân họ lại, thì hầu hết các dự án của công ty đều bị ngưng trệ và phải chi tiêu vượt ngân sách do mất thời gian để “vỗ an” “tướng sĩ”!

9. Hệ điều hành Vista

Đây có thể là một sự nâng cấp... gây nên thảm họa hơn là tạo thêm cơ hội cho công ty của bạn. Mọi thứ mà bạn đang sử dụng đều bị đặt trước nguy cơ trở thành “phế liệu”, từ ứng dụng cho đến hạ tầng kỹ thuật, bởi lẽ nền tảng cũ sẽ không thể “cõng” được Vista!

8. Quản trị máy móc

Sẽ khổ cho những ai phải làm việc dưới trướng của mấy sếp đang bị “tẩu hỏa nhập ma” vì những “bí kíp” sử dụng vô số từ ngữ nghe “lùng bùng lỗ tai”! Có thể chúng được cóp nhặt từ những đầu sách bán chạy nhất về quản trị CNTT, nhưng không có nghĩa là luôn sử dụng được trong điều kiện đặc thù của từng doanh nghiệp cụ thể. Loại kiến thức “siêu nhiên” này có thể sẽ khiến công ty của bạn trở thành một “dưỡng trí viện” - nơi mà các nhân viên sẽ phải cần đến sự trợ giúp của... bác sĩ tâm thần!

7. Giám đốc tài chính (CFO)

Phần lớn các bộ phận CNTT trong công ty đều phải trao “tấu chương” của mình cho giám đốc tài chính (CFO) trước khi nó được chuyển tiếp đến vị tổng giám đốc (CEO). Khổ nỗi, đa phần các CFO lại là người không am tường và thậm chí chẳng biết gì về giá trị đích thực của CNTT trong sản xuất-kinh doanh. Vì vậy, họ cứ luôn nghĩ rằng CNTT là cái “lò đốt tiền” hơn là một công cụ sinh lãi gián tiếp cho công ty – mà đối với các “trùm sò”, thì đó lại là điều mà họ rất... “dị ứng”?!

6. Tích hợp quy trình kinh doanh

Trong cỗ máy vận hành của mọi công ty, thì CNTT chính là bánh răng thúc đẩy những kỷ lục (quan trọng nhất, khó chế tạo nhất, chạy nhiều vòng nhất và cũng dễ bị hỏng nhất). Và dĩ nhiên, khi công việc kinh doanh gặp phải chuyện chẳng lành, người ta thường trút hết “tội lỗi” lên đầu bộ phận CNTT!

5. Quản lý giấy phép

Li-xăng phần mềm là một mảnh giấy rất nhạy cảm và cực kỳ nguy hiểm. Nếu soạn theo kiểu qua loa, chiếu lệ, thì rất có thể sau này bạn sẽ phải đi hầu tòa “triền miên khói lửa”!

4. Củng cố liên minh

Không gì rắc rối bằng việc các “chiến hữu” (nhà cung cấp chính) của bạn đã bị thu phục bởi đối thủ cạnh tranh. Sẽ nguy hiểm hơn nếu như kình địch này còn lên kế hoạch biến sản phẩm “cơm gạo” của công ty bạn trở thành... “đồ cổ”!

3. Toàn cầu hóa

Các CFO có thể nghĩ rằng sẽ rất tuyệt vời nếu như thuê được nhân công với giá cực rẻ. Để đạt được điều này, họ sẽ phải tìm đến các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, việc quản lý con người theo kiểu “đa hệ” như thế sẽ chẳng đơn giản tí nào, nhất là khi công ty của bạn buộc phải giao sản phẩm đúng hẹn và bảo đảm chất lượng. Trong một chừng mực nào đấy, chiến lược nhân sự mà CFO cho rằng “siêu lời” này hóa ra lại là loại “thuốc” chỉ tổ tăng thêm... stress cho công ty của họ mà thôi!

2. Cuối quý

Giai đoạn này có thể sẽ mang đến cho công ty của bạn không ít hợp đồng.

Nhưng nó cũng là thời điểm mà các nhân viên kinh doanh phải hoàn thành trò chơi doanh thu với những con số cao tận mây xanh, trước khi tháng tài chính được “khóa sổ”!

1. Sáp nhập

Mỗi khi công ty của bạn sáp nhập với một công ty khác (bất kể là lớn hay nhỏ), với phương châm “nhà chật thì phải ít người”, công việc đầu tiên mà sếp của bạn có thể sẽ tính đến đó là... cắt giảm biên chế !!!

Lê Nguyễn Bảo Nguyên

Theo SlideShare, TBVTSG
  • 2.989