Gần 1.500 năm trước đây, một cơn sóng thần do lở đá đã quét qua khu vực hồ Geneva với một "bức tường" nước cao tới 13m.
Đây là kết luận được một nhóm nhà khoa học Thụy Sĩ đưa ra trong một bài viết đăng trên tạp chí Nature Geoscience (Khoa học địa chất tự nhiên) ngày 28/10.
Một góc hồ Geneva
Nhóm các nhà khoa học do nhà nghiên cứu Trái Đất Katrina Kremer ở trường Đại học tổng hợp Geneva đứng đầu, cho biết họ đã đi sâu nghiên cứu sự kiện Tauredunum xảy ra vào năm 563 trước Công nguyên. Một ghi chép cùng thời của một giám mục người Pháp mô tả thảm họa "gây hoang mang và khiếp sợ": một con sóng khổng lồ ập xuống hồ, phá hủy làng mạc và những đàn gia súc, sau đó tràn qua các bức tường thành Geneva tiến tới tận cực Tây thành phố và nhấn chìm nhiều người.
Các nhà khoa học cho rằng đây chính là một cơn sóng thần trên hồ. Họ đưa ra bằng chứng cho thấy một phần quả núi bị lở đổ xuống sông Rhone, cách nơi nó đổ vào hồ Geneva ở cực Đông hồ 5km.
Các nhà khoa học đã tiến hành quét phần sâu nhất của hồ bằng rađa có độ phân giải cao và phát hiện một lớp trầm tích lớn hình bầu dục dài hơn 10km, rộng 5km và dày 5m. Điểm dày nhất của lớp trầm tích nằm ở Đông Nam cho thấy gốc tích của nó là ở vùng "châu thổ", nơi sông Rhone đổ vào Hồ Geneva. Theo các nhà khoa học, nhiều khả năng̉ trầm tích này có liên quan tới vụ lở núi và cơn sóng thần xảy ra năm 563 trước Công nguyên.
Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng kết quả nghiên cứu nói trên cho thấy tại các thành phố Geneva và Lausanne ngày nay vẫn có nguy cơ xảy ra sóng thần, cũng giống như các thành phố khác nằm ở rìa các hồ trên núi hoặc các vịnh hẹp có vách đá cao, và nguy cơ này đã bị đánh giá thấp do đa phần mọi người hoàn toàn không biết rằng sóng thần có thể xảy ra ở các hồ.
Sóng thần thường được liên tưởng với động đất dưới đáy biển xảy ra gần bờ biển, tuy nhiên, nghiên cứu từ trận sóng thần Đại Tây Dương năm 2004 cho thấy các con sóng lớn có thể được tạo ra trong nhiều trường hợp, từ núi lửa phun trào cho tới các con đập bị vỡ.