20 triệu đô cho một vệ tinh nhỏ, liệu có quá đắt?

  •  
  • 719

Xung quanh thắc mắc của một số độc giả về chi phí ước tính cho toàn bộ chương trình phóng vệ tinh viễn thám cỡ nhỏ của Việt Nam, VietNamNet đã trao đổi với ông Trần Công Duệ, Phó vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN. 

Ông Trần Công Duệ.

Có ý kiến độc giả cho rằng giá dự toán 20 triệu đôla cho 1 vệ tinh cỡ nhỏ từ 60 tới 100kg là quá lớn, gấp khoảng 10 lần so với giá thành trên thế giới. Ông lý giải thế nào về thắc mắc này?

- Ông Trần Công Duệ: Giá của vệ tinh phụ thuộc vào ba yếu tố chính, đó là: giá thiết kế, chế tạo vệ tinh; giá thuê tên lửa đẩy để đặt vệ tinh lên quỹ đạo; chi phí bảo hiểm vệ tinh trên quỹ đạo và chi phí mua trạm thu ảnh chuyên dụng. Với ba nội dung đó, nếu yêu cầu đặt ra càng cao thì giá thành và thời gian hoàn thành càng cao. Ví dụ nếu chọn những cấu hình phức tạp với nhiều camera, cảm biến (sensors) có độ phân giải cao, các máy thu phát thông tin ở nhiều băng tần với công suất lớn và những bộ pin mặt trời với những ắc quy dung lượng lớn v.v... thì giá thành thiết kế và chế tạo vệ tinh càng đắt.

Với nhiều thiết bị nặng nề đặt trên vệ tinh thì giá thuê đưa vệ tinh lên quỹ đạo cũng càng cao. Một tên lửa đẩy cỡ lớn hiện nay có thể đẩy đồng thời ba vệ tinh nhỏ. Nếu không chờ được thêm hai đối tác cùng muốn phóng vệ tinh nhỏ thì giá thành sẽ đội lên đáng kể.

Thường thì chi phí chế tạo vệ tinh chiếm khoảng 1/3 tổng chi phí của toàn bộ chương trình. Chi phí thuê tên lửa phóng vệ tinh cũng khoảng chừng đó. 1/3 chi phí còn lại được chi cho việc xây dựng trạm điều khiển vệ tinh, bảo hiểm vệ tinh trên quỹ đạo, đào tạo cán bộ, lưu kho bãi chờ ngày phóng... Cần phải thông qua đấu thầu cụ thể mới có thể xác định được giá chính thức. Các hãng chế tạo thường chỉ hay nói đến giá thiết kế chế tạo vệ tinh mà thôi, khi đi vào đàm phán thì sẽ thấy tổng chi phí đội lên rất nhiều. Thường thì chi phí thiết kế chế tạo một vệ tinh cỡ nhỏ và đặt được lên quỹ đạo cần vào khoảng từ 3 tới 20 triệu đôla, phụ thuộc vào cấu hình được lựa chọn.

Theo ông VN cần mấy vệ tinh viễn thám trong tương lai?

-Vệ tinh viễn thám là công nghệ phục vụ cuộc sống. Nếu ta đi mua ảnh vệ tinh của nước ngoài thì sẽ rất thụ động. Trong khu vực Đông Nam Á, chỉ có bốn nước là Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar là chưa có vệ tinh loại này. Theo tôi, trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay, trước mắt Việt Nam nên có một vệ tinh viễn thám ở quỹ đạo tầm thấp với độ phân giải cao.

Đây sẽ là vệ tinh đa nhiệm: Giám sát tài nguyên - môi trường; Theo dõi các diến biến thời tiết và cảnh báo thiên tai; Theo dõi diễn biến của thảm thực vật, quản lý đất đai và quy hoạch xây dựng; Theo dõi và quản lý các hoạt động giao thông trên đất liền và trên biển; Phát hiện sớm các sự cố cháy rừng hoặc tràn dầu trên biển... Còn đối với những mục đích khác thì nếu cần sẽ mua ảnh vệ tinh nước ngoài.

Được biết dự án vệ tinh nhỏ đó được trình Chính phủ trong năm 2003. Liệu có khả năng dự án sẽ được thông qua trong năm nay hay không?

-Mới đây Chính phủ cũng đã thông qua Dự án chế tạo và phóng vệ tinh viễn thông Vinasat và Dự án xây dựng trạm thu ảnh vệ tinh. Đây là hai dự án cấp thiết, đã được thông qua mà không phải đợi Chiến lược ứng dụng và phát triển công nghệ vũ trụ.

Có lẽ dự án vệ tinh nhỏ này sẽ phải chờ sau khi Chính phủ thông qua Chiến lược trên vì Chiến lược là một dự án mang nhiều ý nghĩa về khoa học và công nghệ. Thông qua Chiến lược này sẽ đào tạo được một đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ có khả năng nghiên cứu thiết kế, chế tạo vệ tinh và ứng dụng được một cách có hiệu quả công nghệ vũ trụ và đồng thời xây dựng được cơ sở hạ tầng rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế và xã hội của đất nước.

Xin cảm ơn ông!

Minh Sơn

Theo VietNamNet
  • 719