G2, thứ từng được nghi ngờ là một ngôi sao khổng lồ lang thang gần lỗ đen quái vật ở trung tâm thiên hà chứa Trái đất, không hề bị xé toạc và tạo ra pháo hoa vũ trụ như dự đoán trước đó.
Nghiên cứu mới dẫn đầu bởi nhà vật lý thiên văn Florian Peißker từ Đại học Cologne (Đức) cho biết đến nay số vật thể lang thang gần trung tâm thiên hà nhưng chưa bị lỗ đen quái vật Sagittarius A* nuốt chửng từng được phát hiện là 6, chủ yếu là những sao đôi hợp nhất.
Mô tả của nghệ sĩ về 3 "bóng ma" G2 - (Ảnh: jack Ciurlo/UCLA).
Nhưng thú vị nhất vẫn là G2, một vật thể từng được cho là ngôi sao rất lớn, vừa viếng thăm lỗ đen cách đây ít lâu mà các nhà thiên văn đã tưởng rằng sẽ quan sát được một vụ "bắn pháo hoa" cực lớn từ lỗ đen.
Tuy nhiên, nó không chết. G2 thực sự đã đi qua điểm gần lỗ đên nhất trong quỹ đạo mà không bị nuốt mất, chỉ bị thay đổi hình dạng.
Theo Science Alert, nghiên cứu cho thấy G2 không phải một ngôi sao mà là một đám mây khí khổng lồ ẩn chứa tới 3 ngôi sao non trẻ. G2 bị kéo giãn ra khi đi ngang lỗ đen, để rồi lại tự thu gọn sau khi đi qua điểm nguy hiểm.
Đó là một đám mây khí bụi nóng khủng khiếp với 3 ngôi sao chỉ mới 1 triệu năm tuổi, dự kiến là dạng sao "quái vật" to lớn và mạnh mẽ. 3 "quái vật non" này vẫn đang trong quá trình bồi tụ, chưa hoàn chỉnh nên vẫn còn bị bao quanh bởi một đám mây vật chất. Sau cú tiếp cận nguy hiểm, chúng vẫn tiếp tục phát triển như chưa có chuyện gì xảy ra.
Để so sánh, tuổi đời của Mặt trời là 4,6 tỉ. Vì vậy có thể nói 3 "quái vật non" của G2 mới chỉ trong giai đoạn sơ sinh. Theo các tác giả, sự thật về G2 là một phát hiện "giật gân".
Lỗ đen quái vật ở trung tâm thiên hà chứa Trái đất có khối lượng lên tới 4 triệu Mặt trời, được cho là đang "ngủ", nhưng thỉnh thoảng vẫn thức dậy và ngốn ngấu vật chất nếu như có một "bữa ăn nhẹ" vô tình lảng vảng gần nó.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học The Astrophysical Journal.