Ngựa là loài vật thân thuộc với con người, xuất hiện nhiều trong các câu chuyện thần thoại, truyền thuyết. Hầu hết trong các câu chuyện loàii ngựa được miêu tả là những loài vật trung thành, dũng cảm, tốt bụng. Tuy nhiên, ở một số nơi loài ngựa lại là những quái vật gây khiếp đảm cho con người.
Tikbalang là một sinh vật thần thoại trong văn hóa dân gian Philippines. Nó ẩn nấp sâu trong núi rừng hay trong các hang đá hoang vu. Tikbalang thường được mô tả có đầu và chân ngựa, dáng cao, cơ thể người với tay chân dài, không cân đối. Bởi vậy mà dáng đi của con quái vật nhìn rất khó coi. Bàn chân của Tikbalang là móng ngựa và cái đầu cũng là ngựa.
Ở các vùng miền Bắc của Philippines, Tikbalang được miêu tả là kẻ gây phiền toái cho nhà thám hiểm rừng sâu. Chúng làm người đi mất phương hướng rồi lạc bằng cách tạo ra những ảo giác không có thật, cuối cùng họ phải bỏ mạng vì mệt và đói.
Không ít câu chuyện kể rằng, Tikbalang làm nạn nhân đi lạc tới nơi ở của bọn ma quỷ trong rừng sâu để làm thức ăn cho chúng. May mắn thay, chúng ta có thể thoát khỏi trò đùa của Tikbalang nếu bạn mặc ngược áo và yêu cầu chúng đừng làm phiền nữa.
Tuy nhiên, các Tikbalang sống ở miền Nam lại độc ác hơn. Chúng có đôi mắt đỏ ngầu, bốc mùi hôi thối và khi tức giận có thể dẫm đạp người đàn ông đến chết. Nếu nạn nhân là phụ nữ, chúng sẽ cưỡng hiếp và để họ mang thai Tikbalang con.
Có một cách để thuần hóa loài Tikbalang độc ác này, đó là phải nhổ một trong ba sợi lông bờm dài bất thường của nó. Sợi lông này được sử dụng như một lá bùa để sai khiến Tikbalang như một nô lệ.
Siguanaba là một sinh vật được nhắc đến nhiều trong các câu chuyện dân gian Nam Mỹ. Siguanaba thường xuất hiện ở gần nguồn nước vào những đêm không trăng, nhìn từ phía sau, nó có hình dạng của một người phụ nữ vô cùng duyên dáng, quyến rũ.
Người phụ nữ này thường tắm hoặc giặt quần áo vào ban đêm, nhưng tuyệt nhiên không để lộ khuôn mặt của mình. Siguanaba chỉ cho người đàn ông nào thấy mặt của mình khi đồng ý theo bà vào rừng sâu.
Những kẻ háo sắc sẽ ngay lập tức đồng ý đi vào rừng để được chiêm ngưỡng dung nhan người đàn bà quyến rũ kia. Tuy nhiên, bà sẽ dắt nạn nhân vào sâu trong rừng, gần một thác nước lớn hay vực sâu thăm thẳm.
Sau đó, Siguanaba sẽ để lộ gương mặt thật của mình, đó là cái đầu ngựa cùng tiếng hí vang ghê rợn. Nạn nhân kinh hãi vô cùng nên tự ngã xuống đáy vực mà chết.
Những đứa trẻ hư đốn, không nghe lời cha mẹ cũng là mục tiêu ghé thăm của Siguanaba. Khi một đứa trẻ trốn bố mẹ đi chơi vào đêm không trăng, Siguanaba sẽ tìm tới chúng. Lúc này, Siguanaba sẽ biến hình, mặc bộ trang phục giống hệt mẹ của đứa trẻ và dụ dỗ chúng.
Chỉ cần nạn nhân tiến tới gần Siguanaba, bà sẽ khoe ra cái đầu ngựa đáng sợ khiến đứa trẻ sợ hãi tới điên dại. Cách duy nhất để bảo vệ mình trước Siguanaba là khắc dấu Thánh giá trên người, con quái vật sẽ bỏ qua bạn và tìm kiếm một nạn nhân khác.
Nuckelavee giống như một nhân mã trong thần thoại Hy Lạp với phần thân dưới là ngựa, phía trên là người. Tuy nhiên, nó có một chiếc miệng rất lớn và một con mắt khổng lồ duy nhất. Toàn thân Nuckelavee phủ một màu đỏ của máu, đáng sợ hơn, nhiều phần cơ thể Nuckelavee bị thối rữa, trơ cả xương.
Người dân Scotland truyền tai nhau câu chuyện về con quỷ nhân mã này, họ miêu tả Nuckelavee có tới ba đầu, hai đầu ngựa và một cái đầu của con người. Nuckelavee bị quy kết là thủ phạm của các dịch bệnh đáng sợ.
Ngoài ra, nhiều người tin rằng, việc nhìn thấy Nuckelavee cũng là điềm báo cho một thảm họa sắp diễn ra. Những ai đen đủi gặp phải Nuckelavee sẽ bị hơi thở hôi thối của hắn làm cho héo úa.
Ceffyl DWR là một con quái vật nổi tiếng ở xứ Wales và được miêu tả rất kỹ lưỡng trong cuốn sách “Truyền thuyết dân gian xứ Wales” của nhà văn nổi tiếng Marie Trevelyan.
Ceffyl DWR được miêu tả có vẻ ngoài là to lớn, với phần trước là ngựa nhưng chi sau là đuôi cá. Bộ lông của Ceffyl DWR có màu trắng tuyết nên nhiều người tưởng nó là một sinh vật vô cùng hiền lành, dễ mến. Nhưng sự thật không phải như vậy, bất cứ ai tiến lại gần, Ceffyl liền nhảy lên cao và dẫm họ tới chết.
Một số tài liệu khác ghi lại rằng, Ceffyl đôi khi còn mọc ra đôi cánh và biết nói chuyện. Vào những ngày sương mù che phủ mặt sông, nó nhảy lên bờ và ngỏ ý thuyết phục một người bất kỳ về việc sẽ cõng họ đi chơi khắp nơi. Nếu ai đồng ý, Ceffyl sẽ cõng nạn nhân bay ra giữa biển khơi rồi thả họ lại trên một hoang đảo đáng sợ.
Kelpie là quái vật tới từ các con sông và hồ ở Scotland. Nó thường được gọi là ngựa nước bởi hình dáng bên ngoài trong giống một con ngựa bạch.
Nhờ vẻ ngoài đẹp rạng rỡ mà Kelpie đánh lừa rất nhiều người, một khi cưỡi lên, nó sẽ đưa nạn nhân tới chỗ nước sâu và ăn thịt.
Một dị bản khác của Kelpie là quái vật Glashtyn trên đảo Nykur, Ireland. Nhiều tài liệu còn cho rằng,quái vật hồ Lochness thực ra chính là một con Kelpie.
Quái vật Jersey hay là một sinh vật huyền bí hay thuộc dạng quái vật được cho là đã xuất hiện ở Pine Barrens tại miền Nam New Jersey, Mỹ từ những năm 1800 cho đến tận thế kỷ 20. Quái vật này thường được mô tả như một loài động vật có móng vuốt và biết bay, cánh giống như cánh dơi và đầu giống đầu ngựa.
Quái vật Jersey được cho là thủ phạm của những vụ phá hoại hoa màu, những dấu chân lạ và những âm thanh khủng khiếp. Vào đầu những năm 1900, rất nhiều người ở New Jersey và những vùng lân cận đã khẳng định rằng chính họ đã tận mắt nhìn thấy con quái vật này.