40 người chết, mất tích do mưa lũ ở miền Trung Tây Nguyên

  •  
  • 654

Sáng 18/11, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết theo báo cáo của các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, mưa lũ đã làm 31 người chết; 9 người mất tích và 20 người bị thương.

Mưa lũ cũng làm hơn 243.000 nhà bị ngập, tốc mái, hư hỏng, sập, đổ, cuốn trôi; gần 3.000ha lúa và hoa màu bị hư hại; trên 100ha ao cá, tôm cua bị ngập, hư hại; 14 tàu, thuyền bị lật, chìm, gặp sự cố; gần 120.000m3 đất, đá, bêtông sạt, trôi, bồi lấp; 9.520m đê, kè bị hư hỏng và cuốn trôi; 148.850m kênh, mương bị hư hỏng, cuốn trôi; 48 cột điện bị nghiêng, đổ; 783.785m3 đường giao thông bị sạt lở, vùi lấp.

Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 1960/CĐ-TT ngày 17/11 gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh ven biển từ Thiên Thiên-Huế đến Phú Yên, các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và các bộ, ngành gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến thân nhân những gia đình có người bị chết, mất tích, người bị thương; chỉ đạo công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ.

40 người chết, mất tích do mưa lũ ở miền Trung Tây Nguyên
Người dân trở về nhà sau khi lũ rút. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Tính đến 6 giờ sáng (18/11), tại Đà Nẵng còn 19/56 xã, phường bị ngập của các quận, huyện Hòa Vang, Cẩm Lệ, Liên Chiểu, trong đó có 30 thôn bị ngập hoàn toàn, 35 thôn bị ngập một phần. Hiện tại nước đã rút, không còn nhà bị ngập. Các tuyến giao thông chính đã thông tuyến.

Các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên và Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam ngập trên diện rộng. Hiện nay không còn nhà bị ngập, các tuyến giao thông chính đã trở lại bình thường.

Tại Quảng Ngãi, hơn 40 xã tại lưu vực các sông Trà Khúc, Sông Vệ, Trà Câu, Trà Bồng trên địa bàn các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, thành phố Quảng Ngãi, Đức Phổ, Bình Sơn đã bị ngập sâu, nhiều địa phương bị cô lập. Tuy nhiên, hiện các xã này không còn nhà bị ngập, một số tuyến đường giao thông liên thôn thuộc huyện Nghĩa Hành thuộc hạ du Sông Vệ chỉ còn ngập cục bộ, các khu vực khác giao thông đã trở lại bình thường.

Tỉnh Bình Định có trên 41 xã ở 10 huyện bị ngập trong đó, huyện Tuy Phước bị ngập 80% diện tích. Nhiều xã bị nước lũ chia cắt, cô lập. Mưa lớn đã gây lũ quét tại các xã An Dũng, An Vinh, An Nghĩa, An Toàn, An Quang (huyện An Lão). Toàn bộ hệ thống đê Đông hầu hết bị ngập, độ sâu ngập trung bình 0,5m chỗ ngập sâu nhất 1m.

Hiện tại, nước lũ vẫn còn ngập của huyện Tuy Phước; huyện Phù Cát; và thành phố Quy Nhơn. Giao thông đã trở lại bình thường, hiện còn tuyến đường ĐT 640 đoạn Ông Đô-Cát Tuyến bị chia cắt chưa lưu thông được.

Tỉnh Phú Yên bị ngập khu vực dọc bờ sông Cầu, Đồng Xa, Kỳ Lộ tại 3 huyện Sông Cầu, Tuy An, Đồng Xuân nhưng hiện tại đã hết ngập, giao thông đã trở lại bình thường.

Các địa phương đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống mưa, lũ tại các huyện trọng điểm; huy động lực lượng để tổ chức ứng cứu cho nhân dân vùng ngập lụt; phân công lực lượng tại các tuyến đường bị ngập, tràn để hướng dẫn người dân, phương tiện tham gia giao thông; chỉ đạo phối hợp vận hành các hồ chứa trên địa bàn.

Theo TTXVN/Vietnam+
  • 654