Ngày trở nên ngắn hơn một chút do tác động của cơn địa chấn dữ dội tại Nhật Bản hôm qua.
Xe hơi , cây cối và nhiều thứ khác bị nước cuốn trôi tại thành phố Sendai, tỉnh Miyagi, Nhật Bản sau trận động đất 8,9 độ Richter hôm 11/3. Ảnh: AFP.
Theo AP, Richard Gross, một nhà nghiên cứu của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tính toán rằng trận động đất hôm qua khiến tốc độ xoay của trái đất tăng thêm 1,6 phần triệu giây, nghĩa là thời gian của một ngày giảm 1,6 phần triệu giây.
Sau khi trận động đất 8,8 độ Richter xảy ra tại Chile vào ngày 27/2/2010, Gross cũng sử dụng một mô hình máy tính để tìm hiểu tác động của nó đối với tốc độ xoay của trái đất. Ông nhận thấy cơn địa chấn khiến trục trái đất dịch chuyển khoảng 8 cm khiến mỗi ngày mất 1,26 phần triệu giây.
Động đất lớn luôn làm dịch chuyển một lượng đá lớn và thay đổi sự phân bố vật chất trên hành tinh. Khi sự phân bố vật chất trên hành tinh thay đổi, tốc độ xoay của nó cũng thay đổi. Tốc độ xoay quyết định độ dài của ngày.
Các nhà khoa học sử dụng hình ảnh vận động viên trượt băng để minh họa. Khi vận động viên thu gọn tay vào sát cơ thể, anh ta sẽ xoay nhanh hơn. Đó là do hành động thu gọn tay làm thay đổi sự phân bố trọng lượng cơ thể và do đó cũng làm thay đổi tốc độ xoay của vận động viên.
Cơn địa chấn 9,1 độ Richter vào năm 2004 tạo nên sóng thần trên Ấn Độ Dương khiến mỗi ngày mất 6,8 phần triệu giây.