5.000 kiến lửa hợp thành bè mảng cứu kiến chúa

  •  
  • 418

Hàng nghìn con kiến lửa dùng thân mình tạo thành chiếc bè chắc chắn trôi nổi theo dòng nước để cứu kiến chúa và cả tổ khỏi chết đuối trong bể bơi.


(Video: National Geographic)

Video trích từ chương trình "A Real Bug's Life" của National Geographic ghi hình đàn kiến lửa (Solenopsis invicta) sống dưới đường ống trong sân vườn một ngôi nhà ở Texas, Mỹ, theo Live Science. Khi nước làm ngập tổ, chúng thu thập con non và tụ lại với nhau trước khi cuốn qua thác nước và trôi vào bể bơi.

Kiến nổi tiếng với hành vi tập thể trong đàn lớn. Tuy nhiên, khi tìm cách bơi, chân chúng thường đẩy lẫn nhau. Dù vậy, kiến lửa trong các nhóm từ 10 con trở lên bị ép vào nhau bởi hiện tượng mang tên "hiệu ứng Cheerios", gây ra bởi sức căng bề mặt. Điều này xảy ra khi vật thể nhỏ tạo ra một vết lõm hình lòng chảo trên bề mặt chất lỏng, đưa những vật thể gần đó chụm vào nhau thành cụm.

Kiến lửa tận dụng hiện tượng trên để bảo vệ kiến chúa. Ấu trùng, nhộng và kiến thợ hợp lại với nhau, sau đó móc chân và hàm vào nhau để hình thành một chiếc bè lớn chìm xuống một chút ở trung tâm. Chúng đặt kiến chúa ở trên cùng, tại vị trí an toàn ở chính giữa chiếc bè.

Đàn kiến lửa kết thành bè mảng để sống sót khi tổ ngập nước. 
Đàn kiến lửa kết thành bè mảng để sống sót khi tổ ngập nước.

Các chuyên gia tìm thấy tổ kiếm trong lúc thăm dò sân vườn để ghi hình. Trong lúc bật vòi nước ở bể, họ không để ý có một tổ kiến sống ở trong đường ống. Những con kiến lửa sau đó bị cuốn ra bể bơi. Bill Markham, nhà sản xuất chương trình, chia sẻ họ ghi lại hành vi đặc biệt của kiến lửa với sự giúp đỡ của nhà côn trùng học Sean O'Donnell ở Đại học Drexel, sử dụng ống kính macro với chuyển động siêu chậm.

Dù nhóm quay phim không đếm có bao nhiêu con kiến trong bè mảng, Markham ước tính con số lên tới 5.000 con. Điều bất ngờ là họ phát hiện những con kiến thu thập bong bóng khí để giữ bè mảng trôi nổi. Bằng cách hợp lại để bảo vệ kiến chúa, đàn kiến lửa tạo ra một cấu trúc cần tới trọng lượng lớn gấp 400 lần cơ thể chúng để phá vỡ. Theo Markham, chiếc bè kiểu này có thể trôi nổi 12 ngày.

Cập nhật: 23/01/2024 VnExpress
  • 418