Trong số những sinh vật cư trú dưới nước, có lẽ cá chình châu Phi là loài duy nhất có khả năng... săn mồi trên cạn. Chỉ cần phát hiện ra con mồi béo - thường là côn trùng nhỏ, ngay lập tức chúng quăng mình lách chách lên khỏi mặt hồ, rượt bám theo và vươn cổ đớp khi vừa tầm với.
Chiếc cổ dài ngoẵng cơ động là trợ thủ đắc lực của cá chình châu Phi trong những chuyến đi săn. Khi con mồi đã nằm trong miệng, tay sát thủ bèn lặn sâu xuống nước cho nạn nhân chết chìm, sau đó mới ung dung đánh chén.
Cách thức săn mồi kỳ lạ của loài cá da trơn này giúp các nhà khoa học định hình một phần về đời sống kiếm ăn của những sinh vật trên cạn, vào cái thủa sơ khai đầu tiên khi chúng mới chân ướt chân ráo bước lên từ dưới nước.
(Ảnh: LiveScience)
Bạch tuộc có... khuỷu tay
Với những chiếc xúc tu cuộn sóng, có lẽ chẳng bao giờ người ta tưởng tượng ra chuyện bạch tuộc có khuỷu tay. Tuy nhiên một nghiên cứu đầu năm 2007 cho biết, khi sinh vật này chộp được con mồi, sóng cơ bắp của chúng co lại để tạo thành hình khuỷu tay, cổ tay và vai, nhờ đó có thể đưa thức ăn vào miệng dễ dàng hơn.
(Ảnh: LiveScience)
Cuộc trò chuyện tình tứ của nhện
Con người không phải sinh vật duy nhất trên trái đất phát ra âm thanh trong lúc “tình tự”. Những cô nàng thuộc họ nhện Physocylus globosus luôn phát ra âm thanh chói lói trong thời điểm giao cấu cùng bạn tình. Âm thanh này do chân phụ cọ vào răng nanh mà ra, càng hài lòng thì nhện cái càng cọ mạnh. Cũng bằng cách này mà đám nhện đực biết ngay ai sẽ được chọn làm cha đám con của “nàng”: tất nhiên, đó là kẻ khiến nàng phải kêu to nhất.
(Ảnh: LiveScience)
Lưỡi dài kinh dị
Loài dơi sống trong những khu rừng quanh năm mây phủ ở vùng núi cao Ecuador có thể thè lưỡi dài đến... gấp rưỡi thân mình. Mới đây, các nhà khoa học đã chính thức khẳng định đây là chiếc lưỡi dài nhất trong thế giới các sinh vật có vú, và chỉ có tắc kè hoa mới là sinh vật xương sống duy nhất vượt qua kỷ lục này. Dơi Ecuador cũng là trung gian duy nhất có khả năng thụ phấn cho một số loài hoa nhất định ở miền rừng núi âm u này.
(Ảnh: Nathan Muchhala)
Chuyến vượt biển kỳ thú của loài sên
Hai loài sên sống cách nhau gần 9.000 km và một đại dương mênh mông té ra lại là họ hàng gần - những nghiên cứu tỉ mỉ nhất về gien đã tiết lộ thông tin bất ngờ như vậy. Cho đến nay, các nhà khoa học chưa thể lý giải nổi chính xác bằng cách nào mà anh em nhà sên có thể chia cách xa xôi đến thế, ngoại trừ phỏng đoán: có thể chúng đã bám theo loài chim di trú để trôi dạt đến miền đất xa.
(Ảnh: LiveScience)
Hải Minh