5 câu chuyện chứng minh "hậu môn" có thể là thứ kỳ quặc nhất thế giới động vật

  •  
  • 3.284

Có bao giờ bạn tưởng tượng một ngày bạn không còn... hậu môn nữa? Chắc là kinh khủng lắm. Nhưng nhìn vào những loài sinh vật dưới đây thì sự kinh khủng ấy còn hơn nhiều.

Gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra một điều vô cùng bất ngờ khi hậu môn của loài sứa lược bị biết mất hoàn toàn. Vấn đề này đã khiến giới khoa học vô cùng tò mò để tìm hiểu xem trên thế giới, những loài sinh vật kỳ lạ giống như sứa lược thải phân ra môi trường như thế nào?

Trên thế giới tồn tại vô số loài sinh vật có cái "cổng hậu" kỳ lạ, như loài giun đáy biển Xenoturbella japonica có vô số "lỗ" trên lưng. Chính vì không có cơ quan bài tiết, nên chúng đã "sáng tạo" ra vô số những cách khác nhau để đào thải những chất cặn bã ra bên ngoài.

1. Có những sinh vật hoàn toàn không có hậu môn theo đúng nghĩa đen

Chắc bạn chưa biết, trên da mặt chúng ta có rất nhiều loài vật ký sinh - chẳng hạn như Demodex folliculorum - hay còn gọi là ve mặt. Và điều đáng chú ý ở đây là loài vật này không hề có... hậu môn.

Demodex folliculorum - hay còn gọi là ve mặt

Loài vật này "tích trữ" các chất thải trong suốt cuộc đời của mình, vì vậy nên tuổi thọ của loài rận này khá ít, chỉ khoảng 16 ngày.

Đặc biệt, khi chúng chết đi, mọi chất thải, cặn bã của loài ve này sẽ "nổ tung" và nằm rải rác trên mặt bạn. Hậu quả của hành động tồi tệ này có gây viêm, ửng đỏ cho da mặt chúng ta.

2. Dùng hậu môn... để bơi

Với thân hình mập mạp, vấn đề di chuyển là một bài toán khó của những chú lợn biển. Tuy nhiên "cái khó ló cái khôn", loài lợn biển đã nghĩ ra một cách để kiểm soát tốc độ di chuyển của mình. Đó là bằng cách liên tục xì hơi.

Lợn biển

Thức ăn của lợn biển chủ yếu là rong biển - đây là loại thực phẩm giàu cellulose, giúp tạo nhiều khí methane hỗ trợ cho việc "xì hơi".

Theo các nhà khoa học cho hay, lợn biển có cấu trúc ruột vô cùng phức tạp, chứa nhiều nếp gấp giúp giữ hơi lâu hơn. Khi lặn, chúng nạp đầy một bụng khí, còn lúc muốn nổi thì xả hơi qua hậu môn, tạo áp lực đẩy cơ thể lên cao.

3. Những ngôi nhà từ... hậu môn?

Có bao giờ, bạn nghĩ rằng, hậu môn là nơi cư ngụ tốt nhất hay không? Sự thật đấy! Đó là trường hợp của loài hải sâm.

Hậu môn của chúng luôn phải đón tiếp những vị khách không mời mà đến - những con cá ngọc trai dài tới tận 16cm "hồn nhiên" chui vào để trú ẩn. Bởi lẽ, hậu môn của loài hải sâm là nơi ẩn náu tốt nhất. Khi gặp nguy hiểm, cơ thể chúng sẽ tiết ra chất độc để phòng vệ và tấn công kẻ thù!

Dù vậy, những vị khách này lại tỏ ra không thân thiện cho lắm! Không những trú ngụ, chúng còn lợi dụng cơ hội để ăn một số các cơ quan khác của hải sâm. Khi không thể ra ngoài kiếm ăn, chúng chống lại độc tố của "dưa chuột biển" bằng cách tiết ra một chất nhờn để bảo vệ xung quanh mình.

4. "Rụng" hậu môn

Trên đời này có ít nhất một sinh vật có thể tự cứu mình bằng cách... vứt bỏ hậu môn. Đó là loài bọ cạp Nam Mỹ (Ananteris balzani), loài vật sở hữu hậu môn ngay gần mũi chích độc ở đuôi.

Giống như thằn lằn, khi như bị tấn công bọ cạp cũng sẽ tự cắt đứt phần đuôi đi. Điều này cũng đồng nghĩa, chúng cũng sẽ mất đi phần hậu môn quý giá để kéo dài cuộc sống của của mình Thông thường, những con bò cạp đực trưởng thành là đối tượng dễ "hy sinh" phần hậu môn nhất.

Khi đuôi rụng mất, vết thương sẽ được phục hồi nhanh chóng. Nhưng có một vấn đề là vết thương sẽ bít lại toàn bộ, không để hở lại vết nào, khiến chất thải không thể thoát ra được.

Hay nói cách khác, những con bọ cạp mất đuôi sẽ không bao giờ "đại tiện" được nữa. Lúc này bọ cạp vẫn sẽ tiếp tục săn mồi, nhưng chỉ mồi nhỏ thôi vì thực chất chúng không thể săn loài vật nào quá lớn mà không nhờ đến nọc độc. Hơn nữa, ăn nhiều chỉ khiến bụng phình ra, phân kẹt lại và chết sớm thôi.

5. Hậu môn... quyền lực

Xem xét thấu đáo thì chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, hậu môn thực sự có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự sống trên Trái đất.

Ví dụ như loài cá voi. Nếu phân bò là nguồn dinh dưỡng tốt để bón cho cây trồng, thì phân cá voi là một "nguyên tố"duy trì và phát triển sự sống ở biển khơi.

Do cá voi tiêu thụ khá nhiều thức ăn hàng ngày nên chắc chắn sẽ có thức ăn chưa kịp tiêu hóa đã đươc thải ra bên ngoài. Vì thế, phân cá voi là một nguồn thức ăn phong phú, nuôi dưỡng các loài sinh vật phù du.

Đồng thời, động vật phù du khi ăn phân cá voi sẽ phát triển mạnh hơn, một số có thể quang hợp để loại bỏ CO2 ra khỏi khí quyển. Giới khoa học ước tính, vòng tuần hoàn của phân cá voi có thể loại bỏ khoảng 200.000 tấn CO2 mỗi năm! Trước kia khi số lượng cá voi còn nhiều, lượng khí có thể lên đến hàng triệu tấn lận.

Cập nhật: 22/04/2019 Theo helino
  • 3.284