5 ngày Lễ quốc tế lạ nhất trong tháng 10 mà ít người biết

  •  
  • 395

Tháng 10 đã đến với rất nhiều sự kiện và lễ hội được mong chờ như ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 hay ngày Halloween sẽ diễn ra vào cuối tháng. Tuy nhiên, bên cạnh những ngày lễ đã quá quen thuộc đó, vẫn còn có những ngày lễ vô cùng ý nghĩa đã được Liên Hợp quốc công nhận mà có thể bạn chưa từng bao giờ được nghe tên!

1. Ngày Lương thực thế giới

Có thể một ngày nào đó, bạn đã từng bắt gặp cái tên ngày lễ quốc tế này trên báo đài hay các phương tiện truyền thông đại chúng. Thế nhưng, nếu tham gia chương trình Ai là triệu phú và được hỏi về ngày này, bạn có chắc mình nhớ được chính xác thời gian diễn ra sự kiện?

Ngày Lương thực thế giới

Đáp án của câu hỏi là vào ngày 16 tháng 10 hàng năm, Ngày Lương thực thế giới, viết tắt là WFD (World Food Day) được cử hành trên khắp thế giới, để kỷ niệm ngày thành lập Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc của Liên Hiệp Quốc năm 1945. Ngày này cũng là Ngày Khoa học kỹ thuật thực phẩm.

Ngày Lương thực thế giới được các nước thành viên của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc thiết lập tại Đại hội lần thứ 20 của Tổ chức này trong tháng 11 năm 1979. Phái đoàn Hungary - do tiến sĩ Pál Romány, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Hungary thời bấy giờ lãnh đạo – đã đề xuất ý tưởng cử hành Ngày Lương thực thế giới trên toàn cầu. Từ đó, ngày Lương thực thế giới được cử hành hàng năm ở hơn 150 quốc gia, nhằm nâng cao nhận thức về những vấn đề nghèo và đói, về sử dụng hợp lý lương thực và thực phẩm.

2. Ngày Thế giới về Di sản Nghe nhìn

Ngày Thế giới về Di sản nghe nhìn

Các tác phẩm nghe nhìn phản ánh sự sáng tạo của con người và bộ mặt sống động của các nền văn hóa. Vì vậy, UNESCO đã chọn ngày 27/10 hàng năm là Ngày Thế giới về Di sản Nghe nhìn (World Day for Audiovisual Heritage), nhằm mục đích nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo tồn các tài liệu ghi âm và tài liệu nghe nhìn (phim ảnh, âm thanh và video, chương trình phát thanh và truyền hình).

Sự kiện được tổ chức tại nhiều quốc gia, tại các khu lưu trữ âm thanh và phim tài liệu của quốc gia và khu vực, các đài truyền hình, bảo tàng và thư viện.

3. Ngày Quốc tế trẻ em gái

11 tháng 10 là ngày thế giới kỷ niệm Ngày Quốc tế trẻ em gái (International Day of the Girl). Trước những thực trạng về bất bình đẳng giới, tảo hôn, buôn bán, bóc lột lao động và bóc lột tình dục..., ngày lễ hướng tới kêu gọi bảo đảm trẻ em gái toàn cầu được thụ hưởng sự tiến bộ và công bằng xã hội.

Ngày quốc tế trẻ em gái

Ngày Quốc tế của bé gái (International Day of the Girl) được tổ chức vào ngày 11 tháng 10 hàng năm được thống nhất trên toàn cầu bởi Đại hội đồng Liên hợp quốc vào năm 2011 dựa trên sáng kiến chung của Tổ chức Plan Canada và Chính phủ Canada, EU và các tổ chức khác.

Ngày 11/10/2012, chiến dịch 5 năm "Vì em là con gái" được Plan International chính thức khởi động trên toàn cầu với mục tiêu là hỗ trợ cho 4 triệu trẻ em gái về giáo dục, các kĩ năng cơ bản và giúp các em thay đổi cuộc sống của mình. Chủ đề Ngày quốc tế trẻ em gái năm đầu tiên 2012 là: "Đấu tranh chống nạn tảo hôn".

4. Ngày Quốc tế không bạo động

Ngày quốc tế bất bạo động (hay Ngày quốc tế không bạo lực) là một ngày do Liên Hiệp Quốc đặt ra để cổ vũ cho hòa bình, tránh dùng bạo lực. Ngày này được tổ chức vào ngày 02 tháng 10 - ngày sinh nhật của Mohandas Gandhi. Ngày này ở Ấn Độ được gọi là "Gandhi Jayanti" (ngày nghỉ lễ sinh nhật Gandhi).

Ngày quốc tế không bạo động

Trong tháng 1 năm 2004, người Iran đoạt giải Nobel Hòa bình Shirin Ebadi đã nhận một ý kiến đề nghị dành một ngày trong năm làm "Ngày quốc tế bất bạo động" từ một giáo viên tiếng Hindi ở Paris giảng dạy các sinh viên quốc tế ở Diễn đàn Xã hội thế giới tại Bombay.

Ý tưởng này dần dần thu hút được sự quan tâm của một số nhà lãnh đạo Đảng Quốc Đại Ấn Độ cho tới khi một nghị quyết "Hội nghị Satyagraha" ở New Delhi trong tháng 1 năm 2007 do bà Sonia Gandhi và Tổng Giám mục Desmond Tutu khởi xướng, kêu gọi Liên Hiệp Quốc thông qua ý tưởng này.

Ngày 15 tháng 6 năm 2007, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu tán thành việc lập ngày 2 tháng 10 là Ngày quốc tế bất bạo động. Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc yêu cầu mọi thành viên của hệ thống Liên Hiệp Quốc tổ chức kỷ niệm ngày 2 tháng 10 theo "cách thích hợp và phổ biến thông điệp bất bạo động, kể cả thông qua việc giáo dục và nâng cao nhận thức của công chúng".

5. Ngày Quốc tế người cao tuổi

Chúng ta thường biết nhiều và đặc biệt quan tâm tới ngày Quốc tế thiếu nhi, tuy vậy rất ít người biết đến sự tồn tại của ngày dành cho những bậc lão thành. Ý thức được tầm quan trọng của những người cao tuổi trong xã hội, ngày 01 tháng 10 hàng năm đã được Liên Hợp Quốc chọn làm Ngày Quốc tế người cao tuổi. Ngày quốc tế người cao tuổi viết tắt IDOP (International Day of Older Persons) là một ngày hành động quốc tế do Liên Hiệp Quốc đặt ra nhằm tuyên truyền cổ động cho việc chăm sóc, bảo vệ các người cao tuổi trong mọi nước thành viên vào ngày 1 tháng 10 hàng năm.

Ngày Quốc tế người cao tuổi

Ngày 14 tháng 12 năm 1990 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu tán thành việc lấy ngày 1 tháng 10 hàng năm làm ngày quốc tế người cao tuổi, như đã được ghi trong Nghị quyết A/RES/45/106. Ngày quốc tế người cao tuổi đầu tiên được tiến hành vào ngày 1/10/1991.

Ngày quốc tế người cao tuổi được tổ chức để nâng cao nhận thức về các vấn đề ảnh hưởng đến người cao tuổi, chẳng hạn như quá trình lão hóa và việc lạm dụng người cao tuổi. Đây cũng là một ngày để đánh giá cao những đóng góp mà những người cao tuổi đã làm cho xã hội. Đây là tâm điểm của Chương trình về người cao tuổi của Liên hiệp Quốc và các tổ chức bảo vệ người cao tuổi.

Ngày quốc tế người cao tuổi cũng tương tự như Ngày quốc gia ông bà (National Grandparents Day) ở Hoa Kỳ và Canada cũng như Ngày tôn trọng người cao tuổi (Respect for the Aged Day) ở Nhật Bản.

Cập nhật: 27/10/2020 Theo Toplist
  • 395