Từ lời kêu gọi phải bảo đảm trẻ em gái toàn cầu được thụ hưởng sự tiến bộ và công bằng xã hội của Tổ chức Lao động Quốc tế, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 11/10 hàng năm là "Ngày quốc tế trẻ em gái" (International Day of the Girl).
Trong thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế, có khoảng 88 triệu lao động trẻ em trên thế giới là các bé gái. Các em phải làm việc trong môi trường kém an toàn, nhận đồng lương rẻ mạt và bị đối xử bất bình đẳng giới.
Chủ đề "Ngày quốc tế trẻ em gái" năm đầu tiên 2012 là: "Đấu tranh chống nạn tảo hôn". Hiện có tới 30% thiếu nữ tại các nước đang phát triển lập gia đình khi chưa tròn 18 tuổi, 14% các cô bé lấy chồng dưới tuổi 15.
Đầu tư vào giáo dục cho các bé gái không chỉ đúng mà đó còn là việc làm thông minh.
Báo Huffington Post dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết cứ 1 trong 4 bé gái trên thế giới là sinh ra trong cảnh nghèo khó, 66 triệu trẻ gái toàn cầu bị thất học (báo cáo của UNESCO), và tỉ lệ trẻ gái tốt nghiệp tiểu học thấp hơn trẻ trai đến 33%.
Ngoài ra, có 1 trên 7 trẻ gái phải lấy chồng khi chưa đủ 15 tuổi, thậm chí nhiều em phải lấy chồng khi mới 8 tuổi. Tệ tảo hôn này đã gây tác hại lớn cho các bé gái, khiến các em bị tâm thần, ảnh hưởng sức khỏe, hứng chịu bạo lực trong gia đình lẫn lạm dụng tình dục.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đưa ra con số nhức nhối: Hơn 17 triệu trẻ em phải làm "ô sin", chiếm 30% nhân lực làm việc nhà toàn cầu. Và 83% nhân công làm việc nhà là là phụ nữ và trẻ gái. Các trẻ gái làm việc nhà hơn 12 giờ/ngày, 7 ngày/tuần, từ ủi áo quần, giặt giũ, nấu ăn, chăm trẻ... Các em không được đi học, thậm chí còn bị biến thành nô lệ tình dục.
Một Ngày quốc tế dành cho trẻ em gái là chưa đủ, mà còn có rất nhiều việc phải làm để bảo đảm tất cả các trẻ em gái đều nhận được cơ hội như nhau về giáo dục, và mỗi em đều phải có quyền tin rằng mình là một phần của thế hệ những người làm thay đổi thế giới, theo Huffington Post.