Đây đều là những thói quen khi tắm gần gũi, quen thuộc nhưng mấy ai biết tác hại đằng sau đó.
Tắm là chuyện chúng ta vẫn làm thường ngày, thế nhưng chắc hẳn ai cũng từng có những thói quen rửa mặt cùng trong lúc tắm, bông tắm dùng mãi chẳng thay...
Ấy thế nhưng, những điều tưởng vô hại này lại là nguyên nhân khiến làn da của bạn xuống cấp đấy!
Không ít người có thói quen tranh thủ lúc tắm vòi hoa sen thì rửa mặt hay súc miệng, đánh răng luôn. Nhưng theo Matthew Gebert - kỹ thuật viên tại Phòng thí nghiệm Fierer ĐH Colorado, vòi sen là 1 "ngôi nhà chung" của các vi sinh vật, mầm bệnh, nấm mốc trong nhà vệ sinh.
Theo chuyên gia, có khá nhiều vi khuẩn gây bệnh được tìm thấy trên vòi hoa sen. Cụ thể, vi khuẩn NTM (Nontuberculous Mycobacteria) thường có trong đất và nước gây ảnh hưởng hệ miễn dịch, hay vi khuẩn Legionella pneumophila - có thể gây chứng viêm phổi.
Và những vi khuẩn này sẽ xâm nhập hệ hô hấp lúc bạn "há miệng" tắm với vòi sen. Chính vì thế bạn nên từ bỏ thói quen này ngay từ hôm nay.
Ngoài ra, luồng áp lực nước từ vòi sen khá cao, và nhiệt độ nước cũng khá nóng - nên những tia nước phun trực tiếp vào mặt có thể gây tổn hại, làm khô cho da mặt.
Có vẻ như nhiều người cho rằng, rửa chân sẽ là không cần thiết bởi bạn đang đứng ngay dưới nước và đang tắm mà. Tuy nhiên, việc chân bị ướt khi tắm không có nghĩa là chúng được rửa sạch.
Nên nhớ rằng bàn chân của chúng ta tiếp xúc với ti tỉ bề mặt và chúng chứa nhiều vi khuẩn, mồ hôi. Vì thế, bạn đừng quên rửa chân, cả kẽ chân nữa nhé!
Công dụng của bông tắm là để kì cọ, tẩy sạch da chết, thế nhưng đáng buồn, nhiều người chỉ biết dùng thôi mà lỡ quên thay, vệ sinh bông tắm thường xuyên,
Theo bác sĩ J. Matthew Knight, từ Viện Da liễu Knight (New York, Mỹ), đồ vật tưởng như vô hại này lại là 1 ổ vi khuẩn đích thực.
Khi bạn kỳ cọ, đống da chết 1 phần theo nước xuống cống, nhưng phần lớn sẽ nằm luôn tại cái bông tắm. Cùng môi trường ẩm ướt, đây sẽ là nơi sinh sôi nảy nở của vi khuẩn.
Và lần tắm tiếp theo, những thứ dơ bẩn này sẽ nhanh chóng xâm nhập vào da gây nổi mụn lưng, mẩn đỏ, hoặc nặng hơn chúng sẽ tiến sâu vào vết thương hở li ti trên da, từ đó dẫn tới nhiễm trùng da. Chính vì thế, các chuyên gia khuyến cáo bạn nên rửa thật sạch bông tắm sau khi tắm, phơi ra nắng, thay nó mỗi tháng 1 lần, hoặc tốt nhất là... không nên dùng thì hơn.
Xà phòng thơm chắc chắn sẽ thích rồi, thế nhưng với những bạn có làn da nhạy cảm - chúng có thể gây hại cho bạn.
Phần lớn mùi thơm có trong xà phòng, sữa tắm là các hương liệu tổng hợp... tất cả những hóa chất này có thể gây kích ứng da, dị ứng da, ngứa da, viêm da... cho người dùng. Thế nên nếu làn da của bạn bị khô và nhạy cảm, tốt nhất là bạn nên lựa chọn sản phẩm ít/không mùi thơm, không màu.
Ngoài ra, nếu bạn sử dụng xà phòng bánh, cũng nên chú ý tới khay đựng xà phòng. Bạn cần tránh để cho phần khay này đọng nước - bởi đó là nơi làm cho vi khuẩn phát triển mạnh.
Một thói quen xấu của nhiều người là dùng dao cạo đến lúc nó cùn hẳn, không dùng được nữa mới thay.
Nhưng sự thật là nếu dao cạo không đủ sắc, chúng sẽ không làm tốt vai trò cắt phần lông thừa mà thậm chí tạo vết xước trên da nữa. Đồng thời, việc dùng đi dùng lại nhiều cũng tăng lượng vi khuẩn có trên dao cạo - từ đó khiến da ngày 1 trở nên tồi tệ hơn.
Bên cạnh đó, sau khi sử dụng dao cạo xong, bạn cũng không nên để lại khu vực nhà tắm. Lý do là bởi môi trường ẩm ướt, nhiều vi khuẩn sinh sôi. Vì thế, theo chuyên gia khuyến cáo bạn nên rửa sạch dao cạo sau khi sử dụng, để ra chỗ khô ráo nhanh và thay lưỡi dao cạo khoảng 1 - 2 lần/tháng tùy tần suất sử dụng.