5 thiên thạch lớn nhất từng lao xuống Trái Đất

  •  
  • 4.235

Với lực công phá tương tới 15 triệu tấn thuốc nổ TNT, một số thiên thạch mang theo sức mạnh hủy diệt khổng lồ từng lao xuống Trái Đất.

Thiên thạch phát nổ phía nam Đại Tây Dương

Hình minh họa thiên thạch lao xuống phía nam Thái Bình Dương vào đầu tháng 2.
Hình minh họa thiên thạch lao xuống phía nam Thái Bình Dương vào đầu tháng 2. (Ảnh: BBC).

Vào ngày 6/2, một mảnh vỡ giữa các hành tinh, có thể cấu tạo từ đá với đường kính 5 m lao qua tầng thượng quyển của Trái Đất. Vụt qua bầu trời ở tốc độ hàng chục kilomet trên giây, không khí phía trước thiên thạch bị nén lại và nóng lên, khiến vật thể bốc cháy khi tiến sâu về bề mặt Trái Đất. Khi cách mặt biển phía nam Thái Bình Dương 20 - 30 km, thiên thạch phát nổ với sức công phá tương đương 12.000 tấn thuốc nổ TNT (bằng quả bom nguyên tử rơi xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản). Tuy nhiên, vụ việc chỉ được ghi nhận thông qua các thiết bị phòng vệ và khoa học.

Thiên thạch Chelyabinsk

Vệt khói vắt ngang bầu trời do thiên thạch Chelyabinsk tạo ra.
Vệt khói vắt ngang bầu trời do thiên thạch Chelyabinsk tạo ra. (Ảnh: AP).

Hình ảnh của quả cầu lửa xé toạc bầu trời thành phố Chelyabinsk, Nga, lúc rạng đông hôm 15/2/2013, được ghi lại bằng máy ảnh di động, camera quan sát và bảng điều khiển trên xe hơi. Di chuyển ở tốc độ 20km/giây, quả cầu lửa này sáng gấp nhiều lần Mặt Trời. Các ước tính chỉ ra vật thể có đường kính 20m và phát nổ với lực công phá bằng 500.000 tấn thuốc nổ TNT, làm vỡ hàng nghìn cửa kính, gây thiệt hại kéo dài 89km ở dọc hai bên đường đi và khiến hơn 1.200 cư dân trong vùng bị thương. Dù phát nổ trên không, thiên thạch cho thấy thiệt hại mà vụ nổ có thể gây ra cho dân cư.

Thiên thạch 2008 TC3

Khói mờ lưu lại trên bầu trời từ thiên thạch 2008 TC3.
Khói mờ lưu lại trên bầu trời từ thiên thạch 2008 TC3. (Ảnh: NASA).

Vật thể đường kính 4m, nặng 80 tấn, nhập bầu khí quyển Trái Đất ở phía bắc Sudan vào sáng hôm 7/10/2008. Với tốc độ 13km/giây, thiên thạch phát nổ khi cách mặt đất hàng chục km với lực công phá khoảng 1.000 tấn thuốc nổ TNT, thắp sáng bầu trời và cầu lửa có thể quan sát từ khoảng cách 1.000km. 2008 TC3 thu hút chú ý vì là vật thể đầu tiên được quan sát và theo dõi trước khi lao xuống Trái Đất.

Thiên thạch ở Tunguska

Những thân cây đổ rạp do vụ nổ thiên thạch Tunguska.
Những thân cây đổ rạp do vụ nổ thiên thạch Tunguska. (Ảnh: Wikimedia).

Vào sáng hôm 30/6/1908, một vụ nổ diễn ra ở khu dân cư thưa thớt phía đông Siberia, san bằng những cây đại thụ cao 80m trên diện tích 2.000km2. Phân tích vụ nổ chỉ ra lực công phá của nó bằng khoảng 15 triệu tấn thuốc nổ TNT, lớn hơn 1.000 lần khả năng sát thương của quả bom nguyên tử ở Hiroshima. Theo ước tính, vật thể có đường kính 50 - 200m, phát nổ cách mặt đất 5 - 10km. Vụ nổ gây ra địa chấn ở châu Á và châu Âu nhưng không dẫn tới trường hợp tử vong nào do vùng này hầu như không có người ở.

Thiên thạch Barringer

Miệng hố khổng lồ do thiên thạch Barringer đâm xuống bề mặt Trái Đất.
Miệng hố khổng lồ do thiên thạch Barringer đâm xuống bề mặt Trái Đất. (Ảnh: USGS).

Miệng hố rộng 1.000m, sâu 170m ở sa mạc Arizona, Mỹ, là minh chứng cho hậu quả khi thiên thạch vượt qua hành trình trong bầu khí quyển và tác động lên bề mặt Trái Đất.

Quá trình mô phỏng cho thấy miệng hố được tạo ra bởi một thiên thạch cấu tạo từ sắt - nickel, đường kính 50m, đâm xuống mặt đất ở tốc độ 13km/giây và có sức công phá bằng 10.000.000 tấn thuốc nổ TNT. Các nhà khoa học kết luận thiên thạch Barringer không vỡ vụ hay phát nổ trong không khí. Vụ nổ diễn ra cách đây 50.000 năm, khi khu vực chưa có con người định cư, nhưng vẫn là một cảnh báo cho khả năng hủy diệt đáng sợ của thiên thạch.

Cập nhật: 01/03/2016 Theo VnExpress
  • 4.235