Vạn Lý Trường Thành được coi là công trình biểu tượng của quốc gia và văn hóa Trung Quốc. Nhiều câu chuyện và truyền thuyết thú vị về công trình này đã hình thành trong quá trình xây dựng và được truyền lại qua nhiều triều đại. Chính những truyền thuyết này đã thu hút nhiều du khách tới thăm quan tường thành dài nhất thế giới.
Đây là câu chuyện nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhất trong số các truyền thuyết về Vạn Lý Trường Thành. Truyện diễn ra vào thời nhà Tần (221-206 trước Công nguyên). Phạm Hỷ Lương, chồng Mạnh Khương Nữ, bị triều đình bắt đi xây dựng Vạn Lý Trường Thành. Đến mùa đông, nàng đan áo cho chồng và đã lặn lội tìm chồng để trao áo.
Tượng Mạnh Khương Nữ.
Mạnh Khương Nữ đã đi khắp theo chiều dài của Trường Thành, hỏi thăm nhiều người và cuối cùng nhận được hung tin chồng bị chết vùi thây dưới Trường Thành. Nàng đau buồn khóc lóc thảm thiết 3 ngày 3 đêm, nước hòa lẫn máu. Tiếng khóc của nàng vang xa 800 dặm Trường Thành, làm sụp đổ một khúc thành, để lộ xác chết của chồng mình. Nàng an táng cho chồng xong liền nhảy xuống biển tự vẫn. Ngày nay, tại quận Sơn Hải Quan, tỉnh Hà Bắc có miếu thờ Mạnh Khương Nữ. Câu chuyện này đã được kể lại trong sách vở, các bài hát dân gian và các vở kịch truyền thống. Hầu như người Trung Quốc nào cũng biết câu chuyện này.
Truyền thuyết nổi tiếng nhất về Gia Dục quan kể về một người tên Yi Kaizhan vào thời nhà Minh (1368-1644), ông rất giỏi số học. Ông tính toán rằng họ sẽ cần 99.999 viên gạch để xây dựng Gia Dục quan. Người quản lý không tin ông và nói nếu ông tính sai dù chỉ một viên, công nhân sẽ phải lao động khổ sai trong ba năm.
Gia Dục quan trên Vạn Lý Trường Thành
Khi xây xong cửa ải, một viên gạch còn sót lại và người quản lý đã rất vui mừng, sẵn sàng trừng phạt họ. Tuy nhiên, Yi Kaizhan nói rằng viên gạch là do thần tiên đặt ở đó, chỉ cần dịch chuyển một chút cũng sẽ khiến tường thành sụp xuống. Vì vậy, viên gạch được để yên và ngày nay nó vẫn còn ở tòa tháp của Gia Dục quan. Một phiên bản khác lại kể rằng Yi Kaizhan đã tính ra chính xác số gạch cần dùng nhưng thêm vào một viên theo lời của người quản lý.
Câu chuyện này diễn ra vào thời Tây Chu (1122-711 trước Công Nguyên). Vua Chu có hoàng hậu tên là Bao Tự, một mỹ nhân có nhan sắc tuyệt trần. Vua Chu rất sủng ái nàng, nhưng Bao Tự không bao giờ cười.
Hoàng hậu Bao Tự là một tuyệt sắc giai nhân
Một vị quan hiến kế rằng việc phóng hỏa đài Ly Sơn có thể khiến dân chúng hoảng sợ và làm hoàng hậu cười. Vua You thích ý tưởng đó. Dân chúng bị đánh lừa và hoàng hậu mỉm cười trước cảnh tượng hỗn loạn đó. Sau đó, khi quân địch xâm lược Tây Chu, vua Chu đốt tháp để cầu cứu nhưng các nước chư hầu không ai tới vì họ đã bị đánh lừa một lần. Nhà vua đã bị quân địch giết chết và Tây Chu sụp đổ.
Lính canh Vạn Lý Trường Thành phải làm nhiệm vụ quanh năm. Điều đó khiến không chỉ bản thân họ mà gia đình và người thân của họ buồn phiền. Một người lính trẻ tới bảo vệ lãnh thổ phía bắc của Trung Quốc dọc Trường Thành đã nhiều năm và không được nghỉ phép. Anh chỉ có người cha già đang sống một mình tại quê hương.
Tượng lính đặt ở Vạn Lý Trường Thành
Người cha đã rất già và sợ rằng sẽ không bao giờ gặp lại con. Do đó, ông đã tới khu vực con trai làm nhiệm vụ để gặp con, có thể là lần cuối. Khi tới pháp đài, ông tình cờ gặp lại con mình. Anh cũng nhận ra ông, hai người ôm nhau vừa khóc vừa cười. Điều bất ngờ là cả hai đều chết ngay tại chỗ gặp gỡ. Để tưởng nhớ hai cha con, pháo đài nơi họ gặp nhau được đặt tên là Xifeng Kou (“Cuộc hội ngộ hạnh phúc”). Họ là đại diện cho hàng ngàn người lính và gia đình đã phải xa nhau.
Cách Bắc Kinh 60 km về phía bắc, một đoạn Trường Thành được đặt tên là Huang Hua Cheng (tạm dịch “Hoàng Hoa Đài”, tức pháo đài hoa vàng) do vào mùa hè, toàn bộ khu vực phủ kín bởi hoa màu vàng. Hoàng Hoa Đài bắt đầu được xây dựng vào năm 1575 vào thời nhà Minh và do tướng Cai Kai phụ trách. Trương truyền, họ mất nhiều năm để hoàn tất đoạn Trường Thành này. Khi tướng Cai Kai về kinh thành báo cáo với hoàng đế, một số vị đại thần ghen ăn tức ở đã tâu với hoàng đế rằng tướng Cai Kai tiêu tốn quá nhiều tiền và chất lượng của đoạn thành rất tệ. Hoàng đế tức giận tới mức ra lệnh xử tử tướng Cai ngay lập tức.
Đoạn Hoàng Hoa Đài trên Trường Thành
Một thời gian sau, hoàng đế cử một người tin cẩn tới kiểm tra đoạn thành tướng Cai đã xây. Người đó trở về báo rằng đoạn Hoàng Hoa Đài rất vững chắc và được xây dựng công phu. Hối hận vì đã quá nóng vội gây ra cái chết của tướng Cai, hoàng đế cử người xây dựng lăng mộ và tượng đài để tưởng nhớ vị tướng trung thành. Hoàng đế cũng viết hai chữ "Jin Tang" (tạm dịch “Kim Đường” - nghĩa là vững chắc và bền bỉ) và lệnh cho người khắc lên một tảng đá lớn phía dưới chân thành. Do đó đoạn thành này còn được gọi là Kim Thành.