Khi đầu tư vào một mẫu đồng hồ đắt đỏ, chúng ta không chỉ chi tiền vì uy tín của thương hiệu mà còn trả giá cho hàng triệu giờ làm thủ công để có thể ra mắt sản phẩm đó, Highsnobiety nhận định.
Một số mẫu đồng hồ thậm chí có mức giá đắt hơn siêu xe. Đồng thời, mẫu phụ kiện sang trọng dần trở thành một phần không thể thiếu trong tủ đồ của những người thành đạt và giới thượng lưu.
GQ đưa tin vào năm 2019, sản phẩm Grandmaster Chime Ref 6300 A của Patek Philippe trở thành mẫu đồng hồ có giá bán đắt nhất. Trong cuộc đấu giá ở Geneva (Thụy Sĩ), thiết bị được bán với giá 31 triệu USD. Kỷ lục trước đó thuộc về Rolex Daytona có giá 17,7 triệu USD tại cuộc đấu giá ở Phillips vào năm 2017.
Loạt thương hiệu như Rolex, Patek Philippe, Audemars Piguet..., không chỉ tạo nên các thiết bị tuyệt vời. Họ còn là những nhà tiếp thị tài ba.
Khi được hỏi biểu hiện của sự sang trọng là gì, các tín đồ đồng hồ sẽ nhớ ngay đến Rolex. Thương hiệu toát lên sự uy tín, vượt thời gian và chất lượng khác biệt. Sản phầm này cũng được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, các vận động viên, doanh nhân trên thế giới tin dùng.
Tương tự, Patek Philippe nỗ lực thuyết phục khách hàng rằng những chiếc đồng hồ không dừng lại ở một sản phẩm thông thường. Đó còn là một phần của di sản cá nhân. Khách hàng có thể truyền chúng qua nhiều thế hệ.
Đa số thông điệp được truyền tải tới khách hàng qua những chiến dịch quảng cáo. Trong thời đại mạng xã hội trở nên phổ biến, các ông lớn trong ngành đồng hồ sẵn sàng đầu tư về mặt hình ảnh và nội dung đăng tải trên trang cá nhân để tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng.
Các mẫu đồng hồ thêm đắt đỏ khi được làm thủ công. (Ảnh: LuxWatch4You).
Bên cạnh đó, nhiều nhãn hàng thu hút sự chú ý thông qua hợp tác với người nổi tiếng, sự kiện lớn. Vào tháng 7, mẫu đồng hồ của Omega đã đồng hành cùng tỷ phủ Jeff Bezos lên rìa vũ trụ.
Ở EURO 2020, huấn luyện viên Gareth Southgate đeo chiếc đồng hồ hiếm của Hublot. Trở thành đối tác của giải đấu, thương hiệu đã cho ra mắt thiết bị đáp ứng việc theo dõi mọi hoạt động của giải đấu, được sản xuất với số lượng giới hạn 1.000 chiếc trên toàn thế giới.
Hiện nay, nhiều nhãn hàng hướng đến phương pháp sản xuất số lượng lớn. Tuy nhiên, các thương hiệu đồng hồ uy tín vẫn dựa vào bàn tay của nghệ nhân để sản xuất sản phẩm. Thông thường, mỗi nghệ nhân phải được đào tạo khoảng 10 năm để có tay nghề tốt.
Mẫu Blancpain 1735 Grande Complication có 740 bộ phận được làm thủ công. Trong khi đó, thương hiệu A. Lange & Söhne của Đức có 70 nhân viên trong bộ phận hoàn thiện sản phẩm. Họ phụ trách xử lý một số khâu như vát mép, cắt hạt và đánh bóng. Các nhãn hàng kiểm soát sự chính xác đến từng chi tiết. Tất cả đều hướng đến sự tỉ mỉ.
Tùy vật liệu mà mỗi thiết bị sẽ có mức giá khác nhau. Các yếu tố như đồng hồ mạ vàng, vỏ mặt số pha lê..., khiến giá thành thay đổi.
Bên cạnh đó, để tạo ra bộ chuyển động, mặt số chuyên dụng..., các công ty đã mất nhiều năm nghiên cứu và phát triển.
Các mẫu đồng hồ của Patek Philippe tựa như một tác phẩm nghệ thuật. (Ảnh: Hodinkee).
Thương hiệu không phải yếu tố duy nhất quyết định giá của đồng hồ. Thời gian sản xuất, chất lượng vật liệu là những yếu tố quan trọng hơn cả. Đồng hồ cơ học được sản xuất với tiêu chí tỉ mỉ đến từng chi tiết. Trong một số trường hợp, mẫu đồng hồ được hoàn thiện bằng tay, các thành phần có chất lượng tốt nhất và đòi hỏi phải đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất rất nghiêm ngặt.
Rolex là thương hiệu không tiếc tiền cho vật liệu. Nhãn hàng có xu hướng sử dụng thép 904L - loại thép khác biệt so với các sản phẩm trên thị trường. Vật liệu này giúp đồng hồ cứng và sáng hơn. Đồng thời, thép 904L khiến thiết bị thêm đắt đỏ.
Trước đây, thương hiệu sử dụng thép không gỉ 316L như nhiều nhà sản xuất khác. Tuy nhiên, hướng đến mục tiêu sản phẩm có bước tiến mới, nhãn hàng sẵn sàng đầu tư, thay đổi vật liệu.
Để cạnh tranh, các thương hiệu không tiếc tiền đầu tư và sáng tạo ra những điểm khác biệt. Trong bài viết so sánh sản phẩm của Rolex và Patek Philippe, SCMP đã chỉ ra 6 điểm khác nhau giữa 2 thương hiệu lớn. Trong số đó, nổi bật nhất là sự khác biệt ở cách thể hiện bộ chuyển động.
Bộ máy của Rolex không thể nhìn thấy được. Mặt khác, thương hiệu ưu tiên tạo ra những bộ chuyển động đáng tin cậy.
Trong khi đó, Patek Philippe làm mặt sau bằng sapphire để người mua có thể chiêm ngưỡng bên trong. Nhãn hàng biến bộ máy thành một tác phẩm nghệ thuật thực sự.
Rolex sản xuất một triệu mẫu đồng hồ thủ công mỗi năm. Tuy nhiên, sẽ rất khó mua nếu bạn không thiết lập mối quan hệ với nhà phân phối được ủy quyền, theo Business Insider.
Khách hàng gặp khó khăn khi tìm mua đồng hồ. Trong khi đó, các mẫu đều đắt hơn năm ngoái. Đây được coi là một chiến lược của thương hiệu.
Rolex như một biểu tượng của sự sang trọng. (Ảnh: The Luxor Guy).
Chia sẻ với Insider, Adam Golden từ Menta Watches nhận định: "Dường như Rolex đang điều chỉnh hoạt động kinh doanh để giúp họ kiểm soát việc phân phối và phân loại khách hàng. Hãng chi phối các đối tác bán lẻ ủy quyền. Đây là mắt xích quyết định khách hàng có thể sở hữu một mẫu đồng hồ hay không".
Trong dịp ghé thăm cửa hàng ở Florida, Adam Golden cho biết chỉ còn một mẫu đồng hồ có sẵn để mua do khách hàng đặt và đã hủy.
Adam Golden không phải người duy nhất nhận thấy sự khan hiếm của đồng hồ. Nhà đầu tư bất động sản Tyron McDaniel đã chia sẻ lên trang cá nhân rằng anh không thể tìm mua một mẫu Rolex nam và nhiều cửa hàng sẽ không nhập được những thiết kế mới trong khoảng hơn 1 năm tới.
"Rolex muốn cho mọi người thấy sự thiếu hụt và nhu cầu cao đến mức không thể sản xuất kịp để đáp ứng. Tuy nhiên, tôi nhận thấy nhãn hàng đang phát hành một cách có kiểm soát để giữ cho nhu cầu mua sắm của khách hàng luôn ở mức cao", Adam Golden nói.
Song, việc đồng hồ mới khó mua khiến các thiết kế vintage tăng giá. Vẫn là thiết kế Daytona, giá gốc trên trang web thương hiệu là 13.150 USD. Tuy nhiên, khách hàng phải chi 36.000 USD cho thiết bị tương tự khi mua qua Chrono24.