Tiến hóa là một quá trình cần thời gian, và từ những gì được học trong sách vở thì ai cũng tưởng rằng nó xảy ra từ hàng ngàn năm trước, thậm chí là con người đã đạt đến đỉnh cao của tiến hóa rồi.
Nhưng trên thực tế, sự tiến hóa đã, đang và vẫn xảy ra, ngay cả với con người chúng ta. Chúng ta có thể nhận ra điều này nhờ sự khác biệt khi so sánh cơ thể con người hiện nay với người thời trước, cách đây 150 năm.
Các tài liệu chỉ ra rằng, chiều cao của con người đã tăng tiến rất nhiều kể từ 200 năm trở lại đây. Cụ thể trong một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí eLife, chiều cao của cả đàn ông và phụ nữ tại nhiều quốc gia trên thế giới - đặc biệt là phụ nữ Hàn Quốc và nam giới Iran - đã cải thiện rất nhiều, lần lượt là 20,2cm và 16,5cm.
Trong khi nhiệt độ toàn cầu gia tăng, thân nhiệt của con người lại có xu hướng giảm đi. Các chuyên gia từ ĐH Stanford đã xác nhận rằng nam giới trong thế kỷ 21 có thân nhiệt giảm đi ít nhất là 0,58 độ C. Trong khi đó, số liệu từ đầu thế kỷ 19 cho thấy thân nhiệt của phụ nữ cũng đã giảm 0,3 độ C.
So với 1 thế kỷ trước, quá trình dậy thì của con người đã sớm hơn trước, ở cả nam lẫn nữ. Nguyên nhân của hiện tượng này là do thể trạng của loài người và chế độ dinh dưỡng đã tốt hơn rất nhiều.
Theo một nghiên cứu từ ĐH California, 15% trẻ em gái hiện nay có thể dậy thì từ năm 7 tuổi. Ước tính trung bình so với thế kỷ 20, quá trình dậy thì bắt đầu sớm hơn 2 năm.
Cũng do dịch vụ y tế và chế độ dinh dưỡng đã tiến bộ mạnh mẽ, tuổi thọ của con người ngày càng được cải thiện. Một nghiên cứu của viện Santalucía tại Tây Ban Nha dự đoán, tuổi thọ của con người có thể lên tới 120 vào cuối thế kỷ 21. Trong khi đó nếu so sánh ở thời điểm đầu thế kỷ 21, chỉ có khoảng 26,2% nhân loại sống qua được tuổi 65.
Nhờ vào các tiến bộ của khoa học, năm 2018 nhân loại đã tìm ra một bộ phận mới, mang tên "interstitium" - hay còn gọi là "mô kẽ". Dù còn gây tranh cãi, nhưng nhìn chung interstitium là một loạt các khoảng trống chứa đầy dịch, kết nối với nhau - được tìm thấy dưới da cũng như xuất hiện ở khắp trong ruột, ống mật, phổi, thành mạch máu và các cơ.
Interstitium không phải là bộ phận mới duy nhất mà con người tìm ra. Năm 2013, các nhà khoa học tìm ra 6 lớp màng cực mỏng trải đều trong mắt, được gọi là "lớp Dua".
Có lẽ phải tới hàng trăm năm qua, rất nhiều người trong chúng ta bị hành hạ bởi răng khôn. Nhưng thời gian gần đây, các nhà khoa học nhận ra rằng nhiều người sinh ra mà không có răng khôn - được cho là vì kích cỡ hàm của chúng ta giảm xuống, cùng chế độ ăn không cần phải nhai thức ăn quá cứng nữa.
Một trường hợp khác là cơ gan tay - palmaris longus, chiếc gân kéo dài từ cùi chỏ đến cổ tay. Theo thống kê, 10% - 15% dân số thế giới không có chiếc gân kỳ lạ này. Nếu có, bạn là người bình thường. Nhưng nếu không có thì chia buồn, bạn... vẫn là người bình thường thôi, vì đây được xem là một trong những bộ phận thừa thãi nhất trên cơ thể giống như ruột thừa và nhân trung (đường rãnh nằm ngay trên môi chúng ta).
Chiếc gân này là sản phẩm còn sót lại của quá trình tiến hóa. Các chuyên gia cho biết palmaris longus là bộ phận cần có của tổ tiên chúng ta ngày trước - những người sử dụng chi trước để leo trèo. Tuy nhiên ngày nay, có hay không có bộ phận này cũng không khiến lực nắm hay cơ bắp của chúng ta yếu đi. Nói cách khác, ngoài việc là bằng chứng củng cố thuyết tiến hóa của Darwin, bộ phận này... vô dụng.
Loài người ngày nay sử dụng trí não nhiều hơn, ít vận động đi, và cũng có nhiều thực phẩm đa dạng nhưng... không tốt cho sức khỏe.
Hệ quả, theo số liệu thống kê của tổ chức Y tế thế giới WHO, tỉ lệ béo phì của nhân loại đã tăng gấp 3 kể từ năm 1975. Năm 2016, số liệu cho thấy có 1,9 tỉ người trưởng thành đang thừa cân, và 650 triệu rơi vào tình trạng béo phì.