7 thứ hàng ngày bạn đang tin sái cổ hóa ra đều là hư cấu

  •   52
  • 9.341

Bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết được nhiều thứ trên màn hình tivi chỉ là sản phẩm của tiến bộ công nghệ dù bạn cứ đinh ninh chúng là thật bấy lâu nay.

Thời xưa, bộ phim nào có sử dụng kỹ xảo sẽ được quảng bá rầm rộ và có thể được xếp vào hàng bom tấn dù chất lượng chưa chắc đã cao vì bị hạn chế về mặt kinh phí.

Rồi khi CGI - công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính ra đời, các nhà làm phim đã có thể thỏa sức tạo nên những khung hình kỹ xảo hoành tráng, tuyệt đẹp, và trên hết là... như thật.

Tuy nhiên, sự thật là chúng ta vẫn chưa tưởng tượng được độ "bá đạo" của CGI đâu, khi nó có thể biến những thứ hư cấu nhất thành thật.

Tóm lại, xem xong thì nên bớt niềm tin vào quảng cáo đi nhé!

1. Các siêu xe trên tivi thực chất còn không đáng để gọi là xe

Các công ty ô tô thường sử dụng mô hình 3D để làm ảnh quảng cáo cho xe của họ. Nhưng còn các video siêu xe chân thật và gây cấn như phim hành động trên tivi thì sao nhỉ? Đó không phải là sản phẩm thật mà chỉ là hình ảnh dựng trên nền chiếc xe Blackbird của hãng The Mill.

Xe đóng thế Blackbird.
Xe đóng thế Blackbird.

Dù nhìn giống như một con rùa mất mai, đây lại là chiếc xe được dùng để quay phim nhiều nhất trên thế giới, với ưu điểm là giúp các nhà quảng cáo tiết kiệm được rất nhiều thời gian lắp ráp và chỉnh sửa xe thật cho phù hợp để quay.

Các công ty ô tô thường sử dụng mô hình 3D để làm ảnh quảng cáo cho xe của họ.
Các công ty ô tô thường sử dụng mô hình 3D để làm ảnh quảng cáo cho xe của họ.

Như một diễn viên thế vai chuyên nghiệp, chiếc xe này có thể chuyển động hệt như các dòng xe nổi tiếng, từ dòng Prius cho đến Ford Mustang. Và sau khi đã được quay xong, các phân đoạn quảng cáo sẽ được gửi cho bộ phận thực hiện CGI để dựng và thiết kế trọn vẹn lại cả chiếc xe.

2. Hầu hết đồ nội thất trong các catalog đều không phải hàng thật

Gần đây, các công ty nội thất chủ yếu chỉ sử dụng công nghệ CGI để giới thiệu sản phẩm của mình. Lý do là vì việc chụp ảnh rất tốn kém và dễ gây bẩn hay hư hại các sản phẩm thật. Ánh sáng chụp và tông màu nhiều khi lại không phù hợp và không làm vừa ý các giám đốc nghệ thuật.

Các công ty nội thất chủ yếu chỉ sử dụng công nghệ CGI để giới thiệu sản phẩm của mình.
Các công ty nội thất chủ yếu chỉ sử dụng công nghệ CGI để giới thiệu sản phẩm của mình.

Với sự trợ giúp đắc lực của máy tính, các nhà thiết kế chỉ cần ra sức chỉnh sửa sao cho mô hình từng sản phẩm thật đẹp và lung linh rồi ghép chúng lại thành một bộ hoàn chỉnh.

Tập đoàn thiết kế đồ nội thất nổi tiếng IKEA đã từng phải thay thế toàn bộ đồ đạc trong các căn nhà đi mượn để chụp ảnh quảng cáo. Giờ đây, họ chỉ cần sử dụng CGI là đã có một bộ ảnh đồ nội thất hoàn hảo rồi.

Các vật dụng tuyệt đẹp trên ảnh quảng cáo thực ra là như thế này đây.
Các vật dụng tuyệt đẹp trên ảnh quảng cáo thực ra là như thế này đây.

3. Ảnh của NASA? Được "sốp" hết rồi!

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA đã từng mắc phải nghi án làm giả các tấm ảnh chụp trong sự kiện tàu Apollo 11 đáp xuống Mặt Trăng năm 1969. Dù đó chỉ là lời bàn tán của những kẻ yêu thuyết âm mưu trên thế giới, các tấm ảnh sau này của NASA lại thường xuyên bị nghi ngờ là đã qua chỉnh sửa.

Đáp lại, NASA... thẳng thừng xác nhận rằng tất cả đều đã được photoshop. Hãy lấy ví dụ bằng tấm hình chụp Tinh vân Mắt Mèo này của NASA:

Tinh vân Mắt Mèo do NASA chụp.
Tinh vân Mắt Mèo do NASA chụp.

Trên thực tế, ánh sáng phát ra từ tinh vân này gần như là đỏ hoàn toàn và rất mờ nên mắt con người không thể nhìn thấy được.

Ở đây, NASA muốn xem có bao nhiêu Hydro, Ni-tơ hay Oxy trong tinh vân nên đã chụp ảnh từng mảng màu đỏ của các nguyên tố này rồi chỉnh lại sang màu xanh dương và xanh lá cây cho dễ phân biệt.

Chỉ mất vài phút là đã có thể dễ dàng "tô màu" cho vũ trụ rồi.
Chỉ mất vài phút là đã có thể dễ dàng "tô màu" cho vũ trụ rồi.

4. Phim tài liệu động vật hoang dã sử dụng rất nhiều cảnh giả

Mục đích của phim tài liệu kiểu này là để người xem được chứng kiến những thước phim rất thật về cuộc sống hoang dã, nhằm đưa trải nghiệm "sống cùng thiên nhiên" trở nên thật nhất có thể.

Tuy nhiên, trớ trêu thay, cũng vì mục đích cao cả này mà các nhà sản xuất buộc lòng phải làm giả những cảnh mà họ không có điều kiện để quay.

Sản phẩm của công nghệ hoạt họa điện tử.
Sản phẩm của công nghệ hoạt họa điện tử.

Ví dụ, đội ngũ làm phim tài liệu Hành Trình Tuyệt Diệu Của Loài Rùa công chiếu năm 2009 thừa nhận đã sử dụng công nghệ CGI và hoạt họa điện tử để làm rất nhiều cảnh phim gay cấn, như cảnh rùa bị mắc vào lưới chẳng hạn.

Kênh BBC cũng từng vướng phải nghi án làm giả cảnh gấu Bắc Cực sinh con trong phim tài liệu Hành Tinh Băng Giá. Cảnh này thực ra đã được dựng trong một... vườn thú.

Gấu Bắc Cực trong... vườn thú.
Gấu Bắc Cực trong... vườn thú.

5. "Chất thải" càng làm giả thì càng thật hơn?

Các nhà làm phim Hollywood có quan niệm rằng, thỉnh thoảng cần phải làm cho đạo cụ nhìn giống thật hơn bằng cách... làm giả nó, trong đó có nước tiểu và cả "chất thải rắn".

Phim Tình Địch công chiếu năm 2014 có cảnh một chú chó Great Dane "ị" ra sàn nhà. Đương nhiên trên thực tế, không có con chó nào mà chỉ cần ra lệnh là "ị" ra "cục chất rắn" hoàn hảo thế cả. Thay vào đó, đoàn làm phim đã phải thuê một nhà thiết kế đồ họa "nhào nặn" ra một "cục" trông thật ưa nhìn.

Tại hội nghị giải trí Comic-Con, nhà quản lý kỹ xảo phim Ian Hunter kể rằng ông đã bắt người thiết kế hình ảnh quan sát người khác tưới cây để tạo... nước tiểu trong phim sao cho thật nhất có thể.

"Chất thải" càng làm giả thì càng thật hơn

6. Hiệu ứng máu và súng cũng dễ dàng hơn bao giờ hết với CGI

Thời trước, các đoàn làm phim thường phải sử dụng sirô và phẩm màu để tạo nên các thước phim máu me bê bết. Tuy nhiên, nếu cần phải "đổ" máu quá nhiều thì sẽ rất tốn kém và cũng tốn công lau dọn.

Cảnh máu tràn trong phim The Shining của thế kỷ 20.
Cảnh máu tràn trong phim The Shining của thế kỷ 20.

Nhưng giờ đây, với công nghệ CGI, họ có thể dựng lên các cảnh máu me tùy thích. Như trong phim Biệt Đội Đánh Thuê phần 2, toàn bộ máu của hơn 500.000 người chết đã được làm bằng máy tính.

Máu me cỡ này thì CGI là xong hết.
Máu me cỡ này thì CGI là xong hết.

Tương tự đối với súng đạn. Các khẩu súng ngoài đời thường được thiết kế để hãm ánh sáng đầu nòng - dấu hiệu dễ dàng làm bạn lộ vị trí trong các cuộc đấu súng. Nhưng khi vào phim, súng phải tóe lửa thì mới "oách" đúng không nào?

Vì vậy, các nhà làm phim cũng phải sử dụng đạn có nạp thuốc nổ thật - dù chỉ là đạn mã tử nhưng cũng ẩn chứa nguy hiểm. Còn ngày nay, các nhà làm phim chỉ cần sử dụng CGI để tạo ánh sáng đầu nòng với đủ mọi kích cỡ và độ sáng.

Khi vào phim, súng phải tóe lửa thì mới "oách" đúng không nào?
Khi vào phim, súng phải tóe lửa thì mới "oách" đúng không nào?

7. Thời tiết trên phim đương nhiên cũng có thể được làm giả

Khi quay phim, người ta có thể dùng vòi tưới từ trên xuống tạo cảnh mưa. Nhưng khi đang quay mà trời nắng thì coi như cảnh quay bị hỏng, và nếu muốn làm cảnh cả thành phố có mưa thì lại là cả một vấn đề.

Dĩ nhiên tương tự như vậy, nếu muốn quay cảnh có tuyết, họ cũng không thể chịu khó chờ đến mùa đông được.

Tuy nhiên, giờ đây với công nghệ tạo hiệu ứng kỹ thuật số, các nhà làm phim có thể tạo nên bất cứ loại thời tiết nào, từ khung cảnh mưa hay tuyết rơi buồn bã cho đến cảnh đồi núi chói chang ngập nắng vàng.

Tạo khung, dựng hình và thêm hiệu ứng trời tuyết.
Tạo khung, dựng hình và thêm hiệu ứng trời tuyết.

Thời tiết được làm đẹp trong Game Of Thrones.
Thời tiết được làm đẹp trong Game Of Thrones.

Cập nhật: 29/10/2016 Theo Trí Thức Trẻ
  • 52
  • 9.341