7 vật thể lớn nhất con người từng phóng vào không gian

  •  
  • 1.397

Trạm Vũ trụ Quốc tế, tên lửa Saturn V, kính viễn vọng không gian Hubble là ba trong số những vật thể lớn nhất con người từng phóng vào không gian.

Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS)
Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) có kích thước lớn hơn một sân bóng đá với chiều dài 108,5m và chiều rộng 73m, theo Popular Mechanics. ISS nặng 450 tấn, di chuyển trong không gian với vận tốc trung bình 27.744km/giờ, ứng với 15,79 lần bay quanh Trái Đất mỗi ngày.

Tên lửa Saturn V
Saturn V là tên lửa vũ trụ nhiều tầng được sử dụng trong Chương trình Apollo đưa con người đặt chân lên Mặt Trăng và phóng trạm không gian Skylab của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Tên lửa cao 111m, có khả năng mang khối lượng 140 tấn lên quỹ đạo thấp của Trái Đất. NASA phóng 13 tên lửa Saturn V kể từ năm 1967 đến năm 1973.

Trạm vũ trụ Hòa Bình, hay Trạm vũ trụ Mir
Năm 1986, Liên Xô xây dựng Trạm vũ trụ Hòa Bình, hay Trạm vũ trụ Mir, để thực hiện các thí nghiệm khoa học trong không gian, phục vụ mục đích hòa bình và sự phát triển của con người. Trạm vũ trụ này nặng 140 tấn với chiều dài 33m, chiều rộng 30,8m, bao gồm tổng cộng 6 module. Mir chấm dứt hoạt động ngày 23/3/2001 và bị phá hủy khi lao vào bầu khí quyển Trái Đất.

Kính viễn vọng không gian Hubble
Kính viễn vọng không gian Hubble là dự án hợp tác giữa NASA, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), Viện Khoa học Kính viễn vọng không gian, Mỹ. Hubble có kích thước bằng hai con voi châu Phi trưởng thành cộng lại với khối lượng 12,2 tấn. Nó bắt đầu hoạt động từ năm 1990 ở độ cao cách Trái Đất khoảng 610km. Hubble là kính thiên văn phản xạ được trang bị hệ thống máy tính và một gương thu ánh sáng có đường kính 2,4 m. Nó có thể quan sát một vật thể ở khoảng cách 12 tỷ năm ánh sáng do không bị ảnh hưởng bởi khí quyển Trái Đất.

Trạm vũ trụ Skylab
Skylab là trạm vũ trụ đầu tiên của Mỹ. Ngày 14/5/1973, NASA phóng thành công Skylab nặng 77 tấn lên quỹ đạo của Trái đất, mở ra một bước ngoặt mới trong lĩnh vực khám phá vũ trụ và đưa con người vào không gian. Năm 1979, Trạm không gian này ngừng hoạt động, rơi xuống Ấn Độ Dương và một số mảnh vỡ rơi ở phía tây Australia.

Vệ tinh quan sát trái đất Envisat
Envisat (Vệ tinh môi trường) là vệ tinh quan sát Trái Đất lớn nhất của ESA. Năm 2002, nó được phóng từ Trung tâm vũ trụ Guiana bằng tên lửa Ariane 5. Vệ tinh này nặng 8,2 tấn, dài gần 10m. ESA mất liên lạc với Envisat vào năm 2012.

Tàu vận tải tự hành (ATV)
Tàu vận tải tự hành (ATV) là một tàu vũ trụ của ESA. Nó được sử dụng để chuyên chở các trang thiết bị và dụng cụ thí nghiệm, thức ăn, nước, không khí, nhiên liệu cho Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). ATV nặng gần 21 tấn và có độ lớn đủ để chứa một chiếc xe bus hai tầng. Phần bên ngoài của ATV là một hình trụ dài 10,3m với đường kính 4,5m. Phần thân chính của tàu là các tấm pin năng lượng Mặt Trời hình chữ X.

Cập nhật: 22/02/2017 Theo VnExpress
  • 1.397