Sự mơ hồ trong nét thể hiện của người mẫu, sự lạ thường của thành phần nửa khuôn mặt cùng kỹ thuật vẽ đầy điêu luyện của đại danh họa Leonardo da Vinci trong bức tranh Mona Lisa đều gây tò mò cực đại cho giới học giả 500 năm kể từ ngày Nàng 'ra đời'. Tất cả đó đều gắn liền với hai từ "bí ẩn".
Đại danh họa người Ý Leonardo da Vinci (1452 – 1519) được công nhận là một thiên tài toàn năng của thế giới. Ông cũng nổi tiếng là một người rất bí hiểm, ông thường dùng biểu tượng trong tác phẩm để gửi đi thông điệp.
Bức tranh nàng Mona Lisa của Leonardo da Vinci đã tạo cảm hứng cho rất nhiều nhà phân tích, từ nghệ thuật tới khoa học, từ phân tích quang học tới phân tích tâm lý học.
Bức họa Nàng Mona Lisa của Da Vinci.
Đến nay, sau 500 năm kể từ ngày ra đời, người ta đã khám phá ra 8 bí ẩn trong bức họa. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu hết được dụng ý của Da Vinci.
"Nếu bạn đứng trước một hình ảnh to lớn của Mona Lisa, bạn sẽ hiểu tức thì vì sao nàng lại nổi tiếng như vậy. Đó là thứ mà bạn phải nhìn tận mắt", kỹ sư người Pháp Pascal Cotte nhận định.
Theo phát hiện mới nhất của các nhà nghiên cứu Italia, trong mắt nàng Mona Lisa có chứa nhiều con số và chữ cái nhỏ xíu.
“Ở mắt phải của Mona Lisa có ký tự LV, rất có thể đó là tên viết tắt của Leonardo da Vinci. Còn mắt trái cũng có ký tự nhưng chưa xác định được đó là chữ CE hay B. Ở vòm mắt có số 72, hoặc L và số 2. Bức tranh này đã gần 500 năm tuổi rồi nên không còn sắc nét nữa” – ông Silvano Vinceti, Chủ tịch Ủy ban Di sản văn hóa quốc gia Italia cho biết.
Theo các nhà nghiên cứu, Leonardo Da Vinci đã sử dụng kỹ thuật ông tự học "Sfumato" để pha trộn các chất màu sơn, đặc biệt là xung quanh các góc của mắt và miệng nàng Mona Lisa.
Kỹ thuật này được cho là đã tạo ra một ảo giác về "nụ cười bí ẩn" cho nàng Mona Lisa.
Theo đó, khi người xem chú ý vào đôi mắt nàng, họ vẫn có thể thấy nàng đang cười qua trường mắt. Tuy nhiên, chỉ một khoảnh khắc nhìn xuống làn môi, nụ cười... dường như tan biến.
Năm 2005, để đánh giá trạng thái cảm xúc của khuôn mặt nàng Mona Lisa, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Amsterdam (Hà Lan) phối hợp cùng các học giả trường Đại học Illinois (Mỹ) đã tính toán gương mặt Mona Lisa trên góc độ khoa học hơn.
Theo đó, gương mặt nàng hiện lên 83% hạnh phúc, 9% chán ghét, 6% sợ hãi, tức giận 2%, ít hơn 1% trung tính và 0% ngạc nhiên.
Trong toán học và nghệ thuật, hai đại lượng được gọi là có "tỷ lệ vàng" nếu tỷ số giữa tổng của các đại lượng đó với đại lượng lớn hơn bằng tỷ số giữa đại lượng lớn hơn với đại lượng nhỏ hơn.
Từ bức tranh, ta có thể thấy khuôn mặt nàng Mona Lisa nằm gọn trong một hình chữ nhật vàng và cấu trúc phần còn lại của bức tranh cũng cấu trúc theo một vòng xoắn ốc vàng.
Năm 2007, theo kết quả cuộc nghiên cứu mới nhất của kỹ sư Pascal Cotte người Pháp, bức họa Mona Lisa không phải là không có lông mày và lông mi như nhiều người vốn nghĩ.
Sau khi quét (scan) bức tranh bằng máy ảnh Multi-spectral 240-megapixel do ông tự thiết kế, trong đó sử dụng 13 dải sóng từ tia tử ngoại cho tới hồng ngoại, ông phát hiện đôi mắt của Mona Lisa có nét khác.
Bức ảnh cận cảnh về đôi mắt trái của Mona Lisa làm lộ ra một nét bút lông trên vùng lông mày của nàng. Sau khi phát hiện điều này, người ta vẫn chưa thể tìm ra dụng ý mà Da Vinci muốn 'nói' khi ẩn dấu nét vẽ về bộ lông mày và lông mi của nàng.
Chuyên viên Bruno Mottin, thuộc Trung tâm nghiên cứu và phục chế các bảo tàng của Pháp (C2RMF), cho biết trang phục của Mona Lisa mang rất nhiều điểm nghi vấn.
Với phương pháp chụp phản xạ hồng ngoại, bí mật này được vén lên một cách không ngờ: đó là kiểu áo để lộ đôi vai trần. Và có những mảnh voan rất mỏng phủ bên ngoài chiếc áo này, phủ nhẹ lên bờ vai trái và luôn cả phần lưng ghế.
Ngoài ra, mảnh voan cũng dường như được may ghép với phần viền trên cổ áo thêu rất khéo và được khoác lên như một lớp áo mặc ngoài.
Đến đây thì mọi chuyện khá rõ ràng: kiểu trang phục này rất thịnh hành vào thời Phục hưng - một kiểu áo cánh dành cho trẻ em và cả phụ nữ đang mang thai hoặc vừa mới sinh con.
Bác sĩ người Anh Kenneth Kill cũng nhận định, trong bức tranh của danh họa thời Phục hưng đã truyền tải trạng thái mãn nguyện của người phụ nữ đang mang thai.
Một trong những câu hỏi hóc búa khác nữa trong họa phẩm này là vị trí của cánh tay phải, nằm ngang dưới bụng nàng. Đây là lần đầu tiên có một họa sĩ đặt cánh tay và cổ tay của người mẫu ở vị trí như vậy.
Cotte phát hiện thấy màu vẽ ở ngay dưới cổ tay phải hoàn toàn khớp với màu lớp vải phủ đầu gối nàng. Vì vậy điều này hoàn toàn có nghĩa: cánh tay và cổ tay nàng đỡ một tấm chăn.
"Cổ của cánh tay phải ở ngay trên bụng. Nhưng nếu bạn nhìn kỹ trong ánh sáng hồng ngoại, bạn sẽ hiểu rằng nàng đã đỡ một tấm chăn phủ bằng cổ tay mình", Cotte nói.
Mặc dù phát hiện ra điều này, nhưng kỹ sư người Pháp vẫn chưa hiểu thông điệp mà Da Vinci muốn nói là gì.
Theo các chuyên gia, nếu nối hoàn chỉnh những nét vẽ trong khung cảnh phía sau nàng Mona Lisa và xoay 1 góc thích hợp, chúng ta có thể thấy hình ảnh đầu con trâu, đầu sư tử và khỉ.
Hình ảnh đầu khỉ phía sau Mona Lisa
Hình ảnh đầu sư tử phía sau Mona Lisa
Hình ảnh đầu trâu phía sau Mona Lisa
Nhiều người còn tin rằng còn có một con cá sấu hoặc một con rắn ẩn trên tay trái của nàng Mona Lisa.
Cho đến nay, sự mơ hồ trong nét thể hiện của người mẫu, sự lạ thường của thành phần nửa khuôn mặt... chính là yếu tố góp phần vào sức mê hoặc của bức tranh suốt hàng trăm năm qua.
Khi "Mona Lisa" ra mắt thế giới vào năm 1962, bức tranh đã nhận được mức định giá bảo hiểm cao nhất từng được biết đến cho một bức tranh, theo Sách Kỷ lục Thế giới Guinness. Bức tranh được định giá 100 triệu USD thời đó, tương đương khoảng 957 triệu USD năm 2022. Nhưng rất xứng đáng.
Những người xử lý bức tranh đã quyết định không mua bảo hiểm và thay vào đó đầu tư nhiều hơn vào bảo mật. Bảo hiểm không phải là một yếu tố phù hợp khi nói đến một kho báu quốc gia như bức tranh "Mona Lisa". Theo Gumppenberg, nếu bức tranh bị hư hại, cả quốc gia sẽ phải chịu trách nhiệm.
Không giống như chất liệu canvas thường được sử dụng ngày nay, danh họa Leonardo da Vinci sử dụng các tấm gỗ dương mỏng. Trước thế kỷ 16, gỗ là vật liệu hỗ trợ đắc lực cho các họa sĩ, và trước năm 1470, vải canvas hầu như không được sử dụng.
Nhưng sự lựa chọn phổ biến một thời đã dẫn đến các vấn đề vào khoảng 500 năm sau. Năm 2004, các công nhân tại bảo tàng Louvre từng thông báo rằng, phần gỗ bên dưới kiệt tác ‘Mona Lisa’ đã bắt đầu lõm xuống, khiến bức tranh bị cong vênh. Gỗ hấp thụ nước giống như một miếng bọt biển, khiến chất liệu này thay đổi hình dạng theo sự thay đổi của độ ẩm.
Pablo Picasso đã từng bị nghi ngờ đánh cắp bức tranh "Mona Lisa". (Ảnh: CNN).
Khi Pablo Picasso 29 tuổi, ông bị lôi kéo vào vụ trộm cắp vĩ đại nhất thế kỷ 20. Hoặc, ít nhất, ông đã bị tình nghi phạm tội. Năm 1911, Picasso là một nghệ sĩ theo trường phái Bohemian, sống như một người nước ngoài ở thủ đô Paris. Khi bức ‘Mona Lisa’ bị đánh cắp vào ngày 12/8, Paris đã treo thưởng cho ai có thông tin về vụ trộm.
Kẻ lừa đảo Honoré Joseph Géry liên hệ với tờ báo và thừa nhận đã đánh cắp một bức tượng từ bảo tàng Louvre nhiều năm trước đó, và có liên quan đến chủ nhân cũ, Guillaume Apollinaire. Thật không may cho Picasso, ông và Apollinaire lại chính là đồng nghiệp. Khi các nhà điều tra gây áp lực, Apollinaire thừa nhận đã bán các tác phẩm điêu khắc Iberia bị đánh cắp cho Picasso.
Picasso ngay lập tức bị bắt và thẩm vấn trước quan tòa. Lo sợ bị trục xuất, Picasso đã phủ nhận việc quen biết Apollinaire hoặc về tội ác. Trong những năm sau đó, Picasso cho biết ông rất xấu hổ về lời nói dối của mình trước tòa và vẫn có thể nhớ rõ vẻ mặt bị phản bội trên khuôn mặt của Apollinaire. May mắn thay, thẩm phán đã nhận rằng Picasso không liên quan tới vụ trộm bức tranh "Mona Lisa" và được trắng án.