1.200 hồ nước mới hình thành trên dãy Alps

Khảo sát số lượng hồ trên núi cho thấy biến đổi khí hậu đang làm thay đổi cảnh quan của dãy Alps với tốc độ nhanh hơn dự tính.

Theo một nghiên cứu được công bố hôm 19/7 bởi Viện Khoa học và Công nghệ Thủy sản Liên bang Thụy Sĩ (Eawag), gần 1.200 hồ nước mới đã hình thành trên khu vực dãy Alps của nước này, tại những nơi từng có sông băng bao phủ kể từ "thời kỳ băng hà nhỏ", kéo dài từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19.

Khoảng 1.000 trong số chúng vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Số lượng này lớn hơn nhiều so với con số chỉ vài trăm mà các nhà nghiên cứu dự tính khi bắt đầu kiểm kê.

"Chúng tôi thực sự ngạc nhiên. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng 180 hồ nước mới đã xuất hiện chỉ trong thập kỷ qua, một sự tăng tốc đáng báo động", trưởng nhóm nghiên cứu Daniel Odermatt từ Eawag cho biết.


Biến đổi khí hậu đang làm tăng tốc quá trình hình thành hồ mới trên dãy Alps. (Ảnh: Cultura RF).

Theo một nghiên cứu khác do Viện Khoa học Thụy Sĩ công bố, các sông băng trên dãy Alps của Thụy Sĩ đã mất 2% thể tích chỉ trong năm ngoái và đang suy giảm đều đặn. Ngay cả khi thế giới đạt được mục tiêu trong Thỏa thuận Paris 2015, giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức ít nhất là 2°C vào cuối thế kỷ 21, 2/3 sông băng trên dãy núi dài nhất châu Âu này có thể vẫn sẽ biến mất.

Đánh giá của Eawag cho thấy tốc độ hình thành hồ trên núi ở dãy Alps của Thụy Sĩ đạt đỉnh vào giai đoạn từ năm 1946 đến năm 1973, với trung bình gần 8 hồ mới xuất hiện mỗi năm, sau đó suy giảm.

Tuy nhiên, xu hướng này chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn, trước khi tốc độ tăng mạnh trở lại từ năm 2006 đến năm 2016, với trung bình 18 hồ mới hình thành mỗi năm, đồng thời bề mặt nước cũng phình ra hơn 400m2 mỗi năm. "Đây là bằng chứng rõ ràng về sự biến đổi khí hậu", Odermatt nhấn mạnh.

Trong khảo sát này, các nhà nghiên cứu đã thu thập một lượng dữ liệu khổng lồ về sông băng trong bảy giai đoạn khác nhau từ năm 1850 đến năm 2016. Đối với mỗi hồ nước được hình thành từ năm 1850, Odermatt cùng các cộng sự đều ghi lại vị trí, độ cao, hình dạng và diện tích của chúng vào các thời điểm khác nhau, cũng như cấu trúc của đập tự nhiên và hệ thống thoát nước trên bề mặt.

Dựa trên những thông tin cơ bản như vậy, nhóm nghiên cứu có thể lường trước các mối nguy hiểm, chẳng hạn như lũ đột ngột trong trường hợp vỡ đập. Eawag cảnh báo rằng số lượng hồ trên núi càng nhiều thì nguy cơ lũ càng tăng lên, đe dọa các khu định cư dưới chân núi.

Cập nhật: 28/07/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video